UBND TP HCM vừa quyết định thay đổi một số quy định khi thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với việc sẽ dùng tiền ngân sách TP nghiên cứu tiền khả thi các dự án. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây có thể xem là một hình thức góp ý trực tiếp từ thực tiễn của địa phương vào dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP).
Dự án chống ngập do triều cường tại TPHCM thực hiện theo hình thức PPP đang vướng vì thiếu quy định hướng dẫn.
Ngân sách đi trước
Cụ thể, đối với các dự án thu hút đầu tư theo hình thức PPP sẽ sử dụng vốn ngân sách TP để nghiên cứu lập, thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đồng thời, chấm dứt việc giao các nhà đầu tư tự bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Tại cuộc họp kiểm tra tiến độ các dự án hạ tầng giao thông mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông rất lớn. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng hơn 20%. Để tạo thêm nguồn lực triển khai các dự án, ông Phong đồng ý lập một quỹ nghiên cứu triển khai dự án (khoảng 1.000 tỉ đồng) để nghiên cứu trước các dự án, thay vì để cho nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất như những dự án triển khai trước đây.
Thực tế, trước đó, không riêng gì TP HCM, nhiều địa phương trong cả nước đã giao cho nhà đầu tư bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để được ưu tiên trong đấu thầu. Điều này gây bất bình đẳng vào thiếu minh bạch, có nguy cơ của lợi ích nhóm và phát sinh hàng loạt các vấn đề sai phạm.
Quyết định của TP HCM đưa ra trong bối cảnh TP đang gặp rất nhiều thách thức, khó khăn trong thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP, nhất là về các quy định pháp luật chưa được cụ thể hóa rõ ràng. Việc đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư bằng hình thức PPP với phương châm bảo đảm công khai, minh bạch và chia sẻ rủi ro, thành công đối với các nhà đầu tư là cần thiết và cấp thiết.
"Theo VCCI, do quan niệm cho rằng tiền đầu tư là của tư nhân, nên cơ chế giám sát đối với đầu tư các dự án PPP lỏng lẻo hơn so với đầu tư công. Tuy nhiên, các dự án này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba."
Bởi, theo thống kê, số lượng dự án đầu tư PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của TP HCM. Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn TP có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 69.869 tỉ đồng (khoảng 3 tỉ USD). Trong đó, 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa.
Trong khi đó, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), TP đang tiếp tục triển khai 130 dự án. Các dự án này ở bước chuẩn bị đầu tư, như lập, phê duyệt đề xuất dự án; lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khả năng cân đối từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu. Do đó, thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn tại TP HCM hiện nay.
Đảm bảo sự đồng thuận
Minh bạch trong thu hút đầu tư PPP đang là một đòi hỏi hàng đầu của tất cả các dự án. Minh bạch để nhà đầu tư được đấu thầu bình đẳng và công bằng, minh bạch để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đồng thuận.
Góp ý của VCCI đối với dự thảo Luật PPP mới đây đã chỉ ra, dự thảo đã có quy định về công khai thông tin tại Điều 11 nhưng chưa có quy định về việc lấy ý kiến trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ; công khai các báo cáo thẩm định dự án; công khai các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.
Chia sẻ với DĐDN, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên VIAC khẳng định cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án PPP là yêu cầu đầu tiên để dự án được triển khai thuận lợi và hiệu quả. Đặc biệt, đối tượng sử dụng dịch vụ là người dân và doanh nghiệp cần được tham vấn và giải trình các giai đoạn triển khai dự án, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hoà giữa nhà nước, chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng chính là chìa khóa giảm rủi cho cho các dự án PPP.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập kiến nghị, về lâu dài cơ quan nhà nước hãy thành lập một cơ quan chuyên trách về PPP theo mô hình Trung tâm nghiên cứu, rà soát và thông tin PPP. Đây không phải là một cơ quan phê duyệt dự án tập trung mà là một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp và độc lập về PPP, chuyên nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi các dự án.
Mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/1997 về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi để từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, hiện hoạt động PPP và nội dung lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Nghị định số 63/2018. Mặc dù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật PPP, dự kiến tiếp tục trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ hợp Quốc hội tới.
Trong bối cảnh khung khổ pháp lý đầu tư theo hình thức PPP chưa hoàn thiện, thực tế phát sinh nhiều bất cập thậm chí cả những sai phạm, quyết định thay đổi một số quy định khi thực hiện dự án theo hình thức đối tác công – tư của TP Hồ Chí Minh không phải là một thử nghiệm mà là yêu cầu cần thiết. Việc minh bạch thông tin dự án và đảm bảo tính công bằng trong đấu thầu các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ giúp tránh được các vướng mắc trong quá trình triển khai, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh; để duy trì lợi thế cạnh tranh cũng như giải quyết các thách thức hiện nay, thành phố cần đầu tư hạ tầng nhiều hơn, nhất là ở các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục và môi trường. Nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Thành phố cần thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề thiếu vốn hiện nay, đồng thời giải quyết được nhu cầu hạ tầng, gia tăng phúc lợi xã hội của thành phố. Ðể dự án đầu tư bằng hình thức PPP thành công, thành phố cần nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ về lợi ích mà cùng chia sẻ cả rủi ro. Ngoài ra, các quy định và thể chế phải cụ thể, rõ ràng nhằm tạo động lực cho các nhà đầu tư và để họ thật sự yên tâm khi bỏ vốn thực hiện các công trình. TS. ĐẶNG VĂN HẢI - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước: Chỉ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dựa án PPP sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư. Đối với việc thực hiện đấu thầu công khai rộng rãi, trong đó phải đấu thầu công khai, minh bạch lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án… để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Dự luật cần bãi bỏ quy định cho phép nhà đầu tư đề xuất và lập dự án đầu tư; quy định cụ thể việc cơ quan nhà nước lập, thẩm định, phê duyệt và giám sát thi công dự án PPP như dự án sử dụng NSNN. |