...

Mục tiêu lớn nhất chính sách tiền tệ là ổn định vĩ mô

29 Tháng 10, 2019

 

Mục tiêu lớn nhất chính sách tiền tệ là ổn định vĩ mô

Việc lãi suất tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm xuống 2,75%/năm với kỳ hạn 7 ngày, sau khi tăng mạnh từ cuối 2018 đến tháng 3/2019 ở mức 3%/năm. Hay NHNN bơm ròng 19.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 29.998 tỷ đồng, cho thấy hoạt động điều tiết vốn của NHNN đã có dấu hiệu linh hoạt hơn vào nửa cuối năm 2019. Phó Thống đốc NHNN - bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ, đang đối diện với bối cảnh nền kinh thế giới có những dấu hiệu không tốt về tài chính, như: Chỉ số chứng khoán ở một số nước quá cao, dù chưa đến mức bong bóng, nhưng không phản ánh nền kinh tế thực; nợ của các quốc gia đang phát triển rất lớn; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra sự bất định rất lớn, thậm chí tác động của cuộc chiến này có khả năng làm suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Việt Nam chỉ nhìn chính sách tiền tệ như một giải pháp để cứu nền kinh tế thực và tăng trưởng thì chưa đủ, mà còn phải quan tâm đến sự lành mạnh của nền tài chính.

Thực tế, chính sách tỷ giá, đặc biệt là chính sách tiền tệ, không đơn thuần là câu chuyện xuất khẩu và tăng trưởng, mà còn là câu chuyện ổn định vĩ mô, dịch chuyển dòng vốn. Theo quan sát của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thì “mức thay đổi tỷ giá đang ngày một thấp hơn”, quý IV/2018 tăng 1,8%, quý I/2019 tăng 1% và quý II/2019 chỉ tăng 0,3%.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC, cho rằng: “Việt Nam cần ứng xử khéo và thực chất đối với những đòi hỏi về chính sách của một số đối tác lớn để giảm thiểu rủi ro, tận dụng được những lợi ích nhất định để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng”. Bất cứ quốc gia nào cũng cần một chính sách tiền tệ phù hợp để góp phần thúc đẩy tăng trưởng và Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng việc chính sách tiền tệ đang phải kham khá nhiều mục tiêu, TS. Võ Trí Thành nói “trong nhiều trường hợp, có thể phải đánh đổi” để đạt được mục tiêu tập trung nhất là ổn định vĩ mô, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Võ Trí Thành, người nhiều năm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nước ta cần đặt ra nhiều kịch bản để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong đó không thể bỏ qua tình huống môi trường bên ngoài xấu đi. Ở đây, khả năng chống chịu cần bao gồm ba yếu tố: độ linh hoạt của chính sách tiền tệ; bộ đệm tài khóa và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, trong đó có việc thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế mà nước ta đang làm.

Theo TS. Võ Trí Thành, bên cạnh kiên trì mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN cần linh hoạt hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ, để tùy cơ ứng biến, đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với các cam kết quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng. Tới đây, chế độ tỷ giá cần linh hoạt hơn trong điều hành. Điều này, để đảm bảo các yêu cầu đối với một chế độ tỷ giá không thao túng tiền tệ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Chưa hết, về dài hạn, ông Võ Trí Thành khuyến cáo Việt Nam cần có thêm những nghiên cứu và chuẩn bị cho việc chuyển dần sang thực hiện chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu, có thể có điều chỉnh, nhưng thị trường hơn. Những chính sách này cần được gắn với câu chuyện tự do hóa hơn nữa tài khoản vốn trong cán cân thanh toán quốc tế, lĩnh vực Việt Nam vẫn chưa mở hết. Đồng thời gắn liền với quá trình dần chuyển đổi để tăng tính chuyển đổi cho dòng tiền Việt Nam.

Theo Nguyễn Hoàng, Báo Doanh nhân Sài Gòn, đăng ngày 03/08/2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI