...

Nâng cao sức chống đỡ trong lĩnh vực thương mại, tiền tệ

29 Tháng 10, 2019
 
Tiến sĩ Trần Du Lịch
           
 Tiến sĩ Trần Du Lịch

PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá khái quát diễn biến kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2019 như thế nào, thưa ông?

TS TRẦN DU LỊCH: Khi Chính phủ xây dựng kế hoạch 2019 trình Quốc hội, nhất là về tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đề ra mức tăng 6,6%-6,8% (trong khi năm 2018 GDP tăng tới 7,08%), đã cho thấy chúng ta đã dự liệu những yếu tố thuận lợi có được trong năm 2018 không kéo dài. 

Trong bối cảnh khó khăn chung, Chính phủ đã làm được một số việc quan trọng, trong đó có chính sách tiền tệ. Trước đây, chúng ta cứ nghĩ rằng rất khó để giảm lãi suất cho vay nhưng ta đã làm được, trong khi lãi suất huy động không giảm; hay việc ổn định tỷ giá, kiểm soát được CPI. Những kết quả này đã tác động trực tiếp việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tâm lý tốt cho người dân. 

Đâu là vấn đề khiến ông băn khoăn, trăn trở nhất?

Theo tôi, vấn đề hiện nay không chỉ lo cho những tháng cuối năm mà cần phải xử lý những tồn tại của nền kinh tế như thế nào để làm “bàn đạp” cho những năm tới. Cụ thể, những vấn đề chồng chéo trong các bộ luật đã được đề cập từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Chúng ta cũng đặt ra vấn đề quy hoạch kết cấu hạ tầng rất lớn, nhưng tất cả các dự án đều bị chậm trễ. Tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của quốc gia như xây dựng sân bay Long Thành, đường cao tốc phía Đông rất ì ạch và để làm được thì mấu chốt vẫn là bài toán giải quyết điểm nghẽn về cơ chế. Nạn kẹt xe, ngập nước… là những vấn đề nóng nhưng dư địa để huy động nguồn lực lại không nhiều.

Theo ông, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn và điều hành nền kinh tế như thế nào trong những tháng cuối năm? 

Nhiều vấn đề vướng mắc nhưng chúng ta tháo gỡ quá chậm, ví dụ vướng mắc trong đầu tư công, giải ngân, rồi sự chững lại của các công trình BT, BOT, việc đổi mới một số chính sách về đất đai, dự án đầu tư… do pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất trong nhìn nhận những quy định nên tạo ra sự lo ngại cho những người có trách nhiệm. 

Điều quan trọng nhất là Chính phủ cần quan tâm, gỡ điểm nghẽn mà pháp luật quy định để tăng huy động vốn, nếu làm chậm sẽ mất cơ hội. Thứ hai, cần các chính sách giải quyết về nông nghiệp. Chúng ta cũng cần nhìn nhận một số vấn đề, đặc biệt là nguồn lợi từ ngư trường là rất hữu hạn, ta không thể tăng đánh bắt tự nhiên để xuất khẩu, do vậy nên làm thế nào để khai thác một cách hữu hiệu sự hữu hạn này, chứ không phải mở rộng bề ngang. 

Vừa rồi, tôi đi thực tế tại một số tỉnh như Kiên Giang thì có không ít đội tàu đã phải nằm bờ vì không có ngư trường khai thác, nếu xâm phạm ngư trường sẽ bị dính thẻ vàng như trường hợp Ủy ban châu Âu đã xử phạt. Có sản phẩm chúng ta cũng phải áp dụng công nghiệp để chế biến, nhằm nâng giá trị gia tăng lên chứ không thể xuất khẩu thô mãi được. Cần tăng cường hỗ trợ DN thông qua xây dựng các trung tâm về giống. Chúng ta cũng đã đề ra phải xây dựng 5 trung tâm hậu cần nghề cá, nhưng đến nay vẫn chưa làm được cái nào.

Trong lĩnh vực công nghiệp cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại các khu công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ nội địa. Một vấn đề lớn nữa, cần xây dựng một chương trình riêng về nâng cao năng suất lao động, xem đó như một trong những biện pháp đột phá có cơ sở nhất để nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì hiện nay chúng ta vẫn đứng ở mức thấp so với nhóm ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan)  thì không thể cạnh tranh tốt hơn trong khu vực. Đồng thời tập trung nghiên cứu các chính sách cho mô hình khởi nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. 

Cuối cùng, việc Chính phủ phải làm, đó là nâng cao sức chống đỡ trong các lĩnh vực thương mại, tiền tệ để không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế vĩ mô. Trong kỳ vọng như vậy, năm 2020 GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,8%, để bình quân 5 năm 2016-2020 đạt mức 6,7%.

Về phía TPHCM, ông có khuyến nghị gì để thành phố về đích trong năm 2019 cũng như giữ vững vai trò đầu tàu của nền kinh tế?

Tôi cho rằng, kinh tế TPHCM không thoát khỏi bối cảnh chung của nền kinh tế cả nước. Nhưng do đặc thù, nếu nền kinh tế thuận lợi thì TPHCM được hưởng lợi nhiều nhất, còn bất lợi thì cũng là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên.

Với hiện tại, TPHCM cần chủ động tính toán lại bài toán phát triển vùng kinh tế, chứ không phải chỉ riêng thành phố, để phát huy tốt nhất các nguồn lực. Phải giải quyết cho được vướng mắc về cơ cấu hạ tầng, phát huy được vai trò của cảng biển, của hệ thống logistics vì hiện nay nguy cơ tắc nghẽn quá lớn, do sự phát triển thiếu đồng bộ. Hiện nay, TPHCM cũng đang nỗ lực để xử lý, như đang từng bước xây dựng trung tâm tài chính, nhưng đây là chuyện dài hơi. Còn trong 1-2 năm tới, tôi nghĩ thành phố phải thể hiện rõ về quan điểm đổi mới để phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tập trung xử lý về hạ tầng không dàn trải, có những cái không nhất thiết phải làm ngay; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình còn trì trệ, công trình chống ngập, đường sắt trên cao...  

Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, giá đất thực sự là điểm nghẽn. Trên thực tế, nếu giá đất tăng cao sẽ vượt sức chịu đựng của nền kinh tế vì không ai đầu tư hiệu quả với giá đất cao để làm thương mại, dịch vụ hay công nghiệp được. Thực sự chúng ta chưa hết đất, mà chủ yếu là do đầu cơ, trong khi chúng ta đang thiếu các công cụ để chống đầu cơ và yếu kém trong quản lý bất động sản. 

Trong bối cảnh chung như vậy, để TPHCM vươn lên đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng nền kinh tế trong những năm tới là thực sự khó khăn, nếu không có những giải pháp đột phá.

Kinh nghiệm cho thấy, khi xác định một vấn đề đúng, phải làm, thì phải tập trung nguồn lực và trong quá trình triển khai phải đeo bám để xử lý ngay những bất cập. Nếu làm mà đụng phải khó khăn rồi bỏ đó, thì sẽ không bao giờ đẩy nhanh được các dự án.

Theo Thúy Hải, Sài Gòn Giải phóng, 19.08.2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI