Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng sạch ở Việt Nam là vấn đề cần lưu tâm, mang tính quyết định cho tương lai phát triển cho nhiều ngành kinh tế.
Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn NLTT như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và xu thế xanh hóa quá trình sản xuất trên thế giới, khu vực phía Nam trong đó TP.HCM được đánh giá cao với nhiều lợi thế và động lực để đầu tư vào phát triển NLTT. Tuy nhiên, những thành tựu và tiến bộ đạt được chưa đủ để ngành năng lượng vượt qua tình trạng phát triển không mấy đột phá.
NLTT đang trở thành phần quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng
Theo các chuyên gia, những biến động về địa chính trị của dầu mỏ và khí đốt trên thế giới đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo. Bởi lẽ, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng khan hiếm không chỉ đẩy giá năng lượng tăng cao, khiến cho giá cả của hàng hóa khác cũng vì thế leo thang mà về lâu dài còn gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và sức khỏe con người.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, năng lượng tái tạo đang trở thành một phần quan trọng của chiến lược phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính quyền TP.HCM đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đáng chú ý là TP đang triển khai Đề án Đô thị thông minh trong đó năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là một phần quan trọng. TP đã triển khai nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo như hệ thống đèn đường LED tiết kiệm năng lượng, điện mặt trời trên các tòa nhà công cộng và các công trình tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh các tiềm năng tự nhiên nhằm phát triển năng lượng tái tạo và tiềm lực xã hội trên địa bàn TP, Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế đặc thù được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng - tăng dần việc cung cấp năng lượng xanh và tiến đến thay thế các nguồn năng lượng dựa vào hóa thạch dựa trên điều kiện và tiềm năng của TP.
Ông An cho biết thêm, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, và trong một số các FTA này, có những quy định và cam kết liên quan đến năng lượng tái tạo như Quy định về giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm và thiết bị năng lượng tái tạo trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Quy định về các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA). Chính vì thế, phát triển NLTT, năng lượng sạch ở Việt Nam là vấn đề cần lưu tâm, mang tính quyết định cho tương lai phát triển cho nhiều ngành kinh tế.
Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực năng lượng
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương nhấn mạnh khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cũng cần thiết phải hoàn thiện đầy đủ và nhanh chóng hơn để thuận lợi hóa cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, thiệt hại phát sinh.
Đối với TP.HCM, lãnh đạo TP cần nghiên cứu và đánh giá sát sao thực tiễn tiến độ, vướng mắc triển khai dự án NLTT, từ đó đóng góp thêm nguyên liệu để hoàn thiện khung chính sách phát triển lĩnh vực NLTT quốc gia.
Việc thúc đẩy hoàn thiện các luật liên quan đến ngành năng lượng sẽ tạo cơ sở vận hành kiểm soát hiệu quả thị trường mua bán điện nói chung và từ các dự án NLTT nói riêng, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội bền vững của đất nước.
Đánh giá tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng năng lượng có vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, các nỗ lực phát triển bền vững tổng thể của quốc gia không thể tách rời sự phát triển bền vững của ngành năng lượng.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc phát triển năng lượng tái tạo đang gặp nhiều vướng mắc do khung pháp lý còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều thiếu sót. Các khó khăn này liên quan đến việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ năng lượng tái tạo, việc sử dụng đất triển khai các dự án năng lượng còn nhiều đặc thù, chưa kể còn nhiều vướng mắc khác về mặt kỹ thuật, thu xếp tài chính.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất các cơ quan nhà nước cần đưa ra các định hướng, chính sách thông thoáng hơn, đầu đủ hơn để tạo môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn năng lượng tái tạo. Không chỉ vậy cần có giải pháp và cơ chế phù hợp hơn trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo và hạn chế ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi (điện gió, điện mặt trời).
Luật sư Nguyễn Trung Nam - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đưa ra một số ý kiến, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các dự án NLTT dưới góc độ pháp lý và kinh nghiệm quốc tế. Ông nhận thấy, những tranh chấp về năng lượng tái tạo có thể phát sinh ở cả giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành, có điểm chung là đều rất phức tạp và liên quan đến nhiều bên do sự đặc thù về trị giá và yếu tố chuyên môn. Hơn nữa, hầu hết các tranh chấp liên quan đến dự án NLTT đều có yếu tố nước ngoài, có thể xảy ra không chỉ giữa những nhà đầu tư với nhau mà còn có thể phát sinh giữa nhà đầu tư và Chính phủ. Bởi vậy, lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp là một trong những điểm mà doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Trên thế giới, tỷ lệ tranh chấp trong ngành NLTT được giải quyết tại Trọng tài đang ngày một tăng lên, chứng minh sự ưu việt và phù hợp của loại hình này trong các dự án mang tính quốc tế và có giá trị lớn”, ông Nam nói; qua đó ông khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn phương thức này do tính quốc tế, nhanh chóng, hiệu quả mà nó mang lại.