...

Ngừa rủi ro số hóa trong giao dịch xuất nhập khẩu

29 Tháng 10, 2019

Đề phòng lừa đảo

Trong giới DN đang có sự hình thành của các nền tảng (flatform) kinh doanh điện tử, việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bản giấy sang email, thanh toán qua các công cụ điện tử và giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử.

Theo ông Bắc, trong hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế của các DN Việt hiện nay đã và đang sử dụng internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết riêng năm ngoái đã có 28% số DN tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.

Xét về quy mô DN, nhóm DN nhỏ và vừa (SME) có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email cao hơn nhóm DN lớn. Mục đích chính của việc sử dụng email trong DN vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (chiếm tỷ lệ 74%).

Tuy nhiên, việc giao dịch xuất nhập khẩu thông qua mạng internet đôi khi khiến DN bị vướng vào các vụ lừa đảo từ đối tác ngoại. Đơn cử như vài tháng trước, công ty Jilani Internatiolal (Pakistan) nhận tiền đặt cọc của một DN Việt Nam để xuất khẩu nguyên liệu thủy sản. Ngay sau khi DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc qua ngân hàng, công ty này đã cắt đứt mọi liên lạc.

Kiểm tra tại ngân hàng được biết công ty Pakistan đã cho nhân viên đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền đặt cọc. Không thể liên lạc được với công ty, ngân hàng cho nhân viên đến trụ sở đăng ký của công ty để kiểm tra thì phát hiện đó là địa chỉ giả.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cảnh báo DN lừa đảo nêu trên đang tiếp tục lừa các DN có nhu cầu mua nguyên liệu thủy sản, chân gà… qua trang web và trang facebook với kỹ thuật xây dựng trang web rất chuyên nghiệp, kỹ thuật làm giả các loại chứng từ tinh vi để chiếm được lòng tin của khách hàng.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đề nghị các DN Việt thận trọng, xác minh thông tin DN qua Thương vụ và các tổ chức thứ ba (phòng thương mại, hiệp hội, hãng tàu, cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ, biên bản giám định…). Hơn nữa, khi DN Việt chuyển tiền đặt cọc cho khách hàng ngoại qua ngân hàng cần thông báo cho ngân hàng đây là tiền đặt cọc theo hợp đồng đã thỏa thuận.

Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, thời gian qua cũng nhận được một số đơn của các DN trong nước đề nghị giải quyết khiếu nại các DN ở khu vực Tây Phi như Nigeria, Cameroon và Togo có hành vi lừa đảo.

Đơn cử như hành vi lừa đảo trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng nhập khẩu trị gia 1 – 2 triệu USD và thường ‘‘chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá”. Sau đó, họ đề nghị DN xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, hoặc trả chi phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư… 1 – 2%/trị giá lô hàng.

Ngua-rui-ro-so-hoa-trong-giao-9998-3201-

DN cần thận trọng rủi ro trong giao dịch xuất nhập khẩu có yếu tố “số hóa”

Phải rất thận trọng

Hoặc như thủ đoạn lừa đảo trong việc xuất khẩu (gỗ, sắt phế liệu…) của một số DN Tây Phi. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo chào giá xuất khẩu hàng hóa (gỗ, sắt phế liệu), có giá thấp hơn thị trường, tạo cho các DN nhập khẩu Việt Nam “ảo tưởng” sẽ có lợi nhuận cao nếu nhập khẩu hàng của họ. Đối tượng lừa đảo yêu cầu DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc 20 – 30%, nhưng sau khi nhận tiền cọc sẽ không giao hàng.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria lưu ý các DN trong nước không chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, như phí môi giới, phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư…

Ngay như trong việc thanh toán hợp đồng xuất nhập khẩu, mặc dù thẩm định DN thuộc các nước Tây Phi là có thật nhưng các DN này vẫn có thể lừa đảo.

Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu – nhập khẩu, DN Việt Nam nên áp dụng hình thức thanh toán “Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight). Đặc biệt là không dùng các hình thức thanh toán T/T (điện chuyển tiền), D/A (nhà nhập khẩu được phép nhận bộ chứng từ khi ký giấy nợ (hối phiếu) thanh toán tiền hàng), D/P (giao tiền thì giao chứng từ).

Thực tế, một số DN trong nước đã bị mất vốn khi áp dụng hình thức 30% trả trước, 70% trả sau (đối với hàng xuất khẩu), hoặc mất tiền đặt cọc 30 – 50% (đối với hàng nhập khẩu).

Trước xu hướng của các phương thức giao dịch xuất nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, theo lưu ý của ông Châu Việt Bắc, ngay cả việc giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi với các phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Các chứng cứ điện tử hầu như được chấp nhận tại tòa án và trọng tài.

Mặc dù vậy, ông Bắc khuyến cáo các DN xuất nhập khẩu khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm đảo yêu cầu về chứng cứ chứng minh.

Theo Thế Vinh, Thời báo Kinh doanh, 30.08.2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI