...

Nhận diện và tìm giải pháp hạn chế rủi ro chính sách cho doanh nghiệp

04 Tháng 1, 2023

'

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều bất ổn, khó khăn. Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn về kinh tế nên các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với không ít thách thức, rủi ro. Ông Đậu Anh Tuấn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định.

 
Ông Đậu Anh Tuấn - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.
 

"Bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi rất nhanh, có thể một ngành hàng đang rất triển vọng nhưng chỉ một thời gian ngắn đã xuống dốc rất nhanh, đây là rủi ro thị trường. Nhưng có một rủi ro khác đó là rủi ro từ chính sách. Chúng ta phải giảm thiểu rủi ro chính sách. Đây là một tiêu chí của môi trường kinh doanh thuận lợi."

Hiện nay có rất nhiều chính sách được ban hành, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, điều này rất cần thiết song nó có thể phát sinh những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp phải đối diện với các cuộc thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách. Doanh nghiệp đang rất e ngại điều này. Việc kịp thời nhận diện và tìm giải pháp hạn chế những rủi ro trên sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển. Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết.

"Thời gian qua khi một chính sách được ban hành thì cơ quan quản lý thuế cũng ngay lập tức có những cách thức đưa chính sách này đến với doanh nghiệp và người thụ hưởng để họ hiểu được chính sách đó và tuân thủ. Ngoài cách thức truyền thống thì chúng tôi cũng sử dụng mạng xã hội, phương tiện điện tử khác để đưa những thông tin cập nhật nhất về những chính sách pháp luật được ban hành."

 

Nhận diện và tìm giải pháp hạn chế rủi ro chính sách cho doanh nghiệp - Ảnh 2.
 
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
 

Cũng theo bà Hiền, có rất nhiều chính sách khi được xây dựng rồi gửi lên lấy ý kiến trên trang web của bộ chủ quản đến khi hết thời hạn 60 ngày cũng không nhận được ý kiến phản hồi nào của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cùng với nhà nước xây dựng chính sách pháp luật, để từ đó có thể hiểu rõ và có các giải pháp quản trị rủi ro pháp lý liên quan.

Ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cho rằng, duy trì một kênh đối thoại mở không chỉ trong quá trình xây dựng mà còn cả quá trình thực thi chính sách là điều rất quan trọng cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.

"Tôi cho rằng sau khi chính sách được ban hành thì các văn bản hướng dẫn (Guideline) sẽ hỗ trợ cho cả phía cơ quan nhà nước, các cơ quan thực thi và các đối tượng chịu tác động. Đây là kinh nghiệm tốt mà thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng để các vấn đề chính sách, các quy định pháp luật đi vào cuộc sống theo đúng mục tiêu, để mọi người cùng hiểu, thống nhất và thực hiện."

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu là nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên việc đóng góp vào xây dựng chính sách còn hạn chế, khi đó rất cần tiếng nói đại diện của các hiệp hội ngành hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có những bộ phận pháp chế nội bộ để giúp họ hiểu rõ các chính sách cũng như lường trước được các rủi ro phát sinh. Ông Đậu Anh Tuấn đưa ra kiến nghị.

"Có tình trạng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về mặt chính sách là không đồng nhất với nhau, doanh nghiệp không hiểu cụ thể là như thế nào, nhưng hiện không có cơ quan nào đứng ra trung gian giải quyết cho nên hầu hết doanh nghiệp do ở thế yếu nên chịu thiệt thòi. Cho nên phải có một cơ quan chuyên môn, chuyên trách và thậm chí cơ quan này có thể quản lý về chất lượng của văn bản."

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, người dân phải tham gia vào xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Ngoài ra, các bộ, ngành cần lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi; làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa... Các chính sách phải luôn hướng đến người dân và luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp với mục đích cuối cùng là góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI