...

Ông Phan Đức Hiếu, Trọng tài viên VIAC: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai

16 Tháng 12, 2024

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, Luật Đất đai số 31/2024/QH15, đặc biệt Luật số 43/2024/QH15 cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở số 27/2023, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023 và một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024 có hiệu lực từ 1/8/2024 là một nỗ lực chưa có tiền lệ để khơi thông thị trường, phát huy giá trị đất đai trong bối cảnh mới. 

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Việc hiểu đúng và áp dụng hiệu quả Luật Đất đai 2024 sẽ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cơ hội tiếp cận và khai thác nguồn lực đặc biệt này.

Tiếp nối các nỗ lực ban hành các văn bản luật, hàng loạt nghị định hướng dẫn luật vừa được Chính phủ ban hành như Nghị định số 43/2024/NĐ-CP về hoạt động lấn biển, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP về giá đất và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… "Các văn bản mới tạo nên hành lang pháp lý hoàn thiện để khơi thông và mở rộng dòng vốn đầu tư thông qua các dự án chất lượng, thể hiện nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ trong suốt thời gian qua", ông Hiếu nhận xét.

Tại Hội thảo "Luật Đất đai 2024: Giải pháp thực thi hiệu quả cho nhà đầu tư" tổ chức ngày 17/7/2024 tại TP.HCM, bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) nhận định, việc hiểu đúng và áp dụng hiệu quả Luật Đất đai 2024 sẽ giúp doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp FDI, tận dụng tốt cơ hội từ khung pháp lý mới. Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, gồm 16 chương và 260 điều, trong đó sửa đổi 180/212 điều và bổ sung mới 78 điều của Luật Đất đai năm 2013.

Bà Vân nhận định, điểm mới đáng chú ý là Luật bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; sửa đổi quy định về phân loại đất; hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; bổ sung quy định về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất... Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 còn có các điều khoản phân cấp, phân quyền cho địa phương để phù hợp với thực tế từng địa phương và luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển nền kinh tế.

Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Châu Việt Bắc chia sẻ, VIAC thực hiện thống kê năm 2023 và nhận thấy có sự gia tăng về số vụ tranh chấp trong lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 26,18% trên tổng số vụ, trong đó có nhiều vụ liên quan đến quyền sử dụng đất. Do sự giới hạn của quy định pháp luật, các tranh chấp thường gây nên nhiều băn khoăn, khó xử cho các bên, trong đó có điểm khó xử về thẩm quyền giải quyết. Ông Bắc cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 đã định danh cơ chế khắc phục vấn đề khó xử này. Đây là một điểm mới gỡ vướng mắc thực tế cho nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả hơn.

Dưới góc nhìn về hoạt động đầu tư, Phó Tổng thư ký VIAC đánh giá, những cải tiến trong Luật Đất đai sẽ giúp nhà đầu tư được tiếp cận với nguồn lực đất đai một cách thuận lợi, công bằng, thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý. "Luật sắp có hiệu lực nên các nhà đầu tư cần nhanh chóng trang bị kiến thức, thông tin về pháp lý, về thị trường để không bỏ lỡ cơ hội và hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới", ông khuyến nghị.

Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư, một số chuyên gia chia sẻ, Luật Đất đai cho thấy nhiều cải tiến khi bổ sung quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cơ chế về giao đất, cho thuê đất, cân bằng quyền lợi và vị thế của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi khi đưa ra những quy định liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Các chuyên gia kỳ vọng, khi Luật có hiệu lực, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận, khai thác nguồn lực đất đai một cách thuận lợi, minh bạch, thủ tục hành chính sẽ đơn giản, thông thoáng hơn, người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất bình ổn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, một số ý kiến đánh giá, Luật Đất đai 2024 đánh dấu "trang mới" cho sự phát triển của thị trường bất động sản và nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn dài ảm đạm.

"Góc tiếp cận đất đai theo tinh thần mới là thị trường - minh bạch và công bằng. Đơn cử, Luật quy định rõ áp dụng 2 cơ chế gồm đấu giá và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất (vốn chưa được quy định rõ ràng tại Luật Đất đai hiện hành) và việc áp dụng cơ chế nào là do các cấp địa phương tự quyết định căn cứ vào tình hình thực tế", đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ. Theo đại diện BIDV, thực thi Luật mới sẽ giúp nhiều định chế nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cơ hội tiếp cận đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng quy mô hoạt động cho các doanh nghiệp và hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo Trọng tài viên Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối liên hệ với nhiều luật, quy định khác. Luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp lý về quản lý và sử dụng đất. Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tác động mạnh mẽ, là tiền đề góp phần thay đổi tình hình đầu tư, kinh doanh của không chỉ các ngành liên quan mật thiết như bất động sản mà còn trợ lực phát triển cho nhiều thị trường như tài chính, xây dựng, dịch vụ…, tác động tích cực đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp

Theo Báo Đấu thầu đưa tin ngày 18/07/2024

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI