...

Sẽ triển khai phổ biến ngay các quy định mới của Luật Quản lý thuế

29 Tháng 10, 2019

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có rất nhiều quy định mới quan trọng.Cán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế. Ảnh: N.MCán bộ Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế. Ảnh: N.MĐể luật đi vào cuộc sống, VTCA sẽ phổ biến ngay những điểm mới của luật để người nộp thuế hiểu và chủ động triển khai thực hiện.

  • PV: Thưa bà, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Với tư cách là thành viên tổ soạn thảo luật, bà đánh giá như thế nào về những quy định mới trong luật?
  • - Bà Nguyễn Thị Cúc: Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có rất nhiều điểm mới quan trọng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thuế. Trước hết, điểm mới quan trọng là luật đưa ra nguyên tắc bản chất hoạt động giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế. Điểm mới quan trọng thứ hai, là quy định về giao dịch điện tử và hóa đơn điện tử.  Đặc biệt trong giao dịch điện tử, quy định rất rõ thời hạn, thời điểm nào phải kết thúc thực hiện các hoạt động giao dịch điện tử. Luật cũng quy định rất cụ thể là khi đã giao dịch điện tử rồi thì bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào, kể cả cơ quan thuế không được yêu cầu bất cứ chứng từ giấy nào. Đây là một điểm mới rất tốt, có lợi cho người nộp thuế (NNT).Một nội dung nữa là quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý thuế, như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước… về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý thuế. Luật cũng bổ sung thêm quyền của NNT: quyền được giải thích; được bồi thường thiệt hại nếu lỗi do cơ quan thuế gây ra. Một nội dung rất mới rất nổi bật nữa đó là cơ quan kiểm toán nhà nước (KTNN), cơ quan thanh tra nhà nước (TTNN) phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với kết luận, quyết định của mình khi kiểm toán, thanh tra về thuế. Hiện nay trong thực tế, cơ quan KTNN kiểm toán, sau đó chuyển kết luận kiểm toán cho cơ quan thuế thực hiện thu. Có nhiều trường hợp cơ quan thuế không thu được, dẫn đến tranh chấp giữa NNT với cơ quan thuế. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đưa ra hai điều: một điều là trách nhiệm, quyền hạn của KTNN và một điều nữa là trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan TTNN. Cụ thể, trường hợp cơ quan KTNN trực tiếp kiểm toán người nộp thuế, trong đó có những nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, thì cơ quan KTNN phải gửi biên bản, hoặc báo cáo kiểm toán này cho NNT đó và NNT phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện kết luận của cơ quan KTNN, chứ không phải chuyển cho cơ quan thuế, để cơ quan thuế thu. Trường hợp nếu như NNT không đồng ý với kiến nghị của cơ quan KTNN, thì họ có quyền khiếu nại lên cơ quan KTNN để thực hiện theo đúng chế độ, bớt khâu trung gian đi. Tôi thấy quy định này là rất rõ ràng. Trường hợp thứ hai, cơ quan KTNN kiểm toán qua hồ sơ, tài liệu của cơ quan thuế, phát hiện tăng thêm nghĩa vụ thu nộp, thì cơ quan KTNN phải gửi bản trích sao có kiến nghị NNT phải nộp thêm tiền thuế vào NSNN. Khi đó, cơ quan thuế có trách nhiệm đôn đốc NNT thực hiện nghĩa vụ. Nếu NNT không đồng ý với bản trích sao của cơ quan KTNN, thì cơ quan này phải chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế để xử lý kiến nghị của NNT theo đúng quy định của pháp luật. Đối với cơ quan TTNN cũng như vậy. Tôi cho rằng, những quy định này rất rõ ràng, thuận lợi cho NNT, rõ ràng hơn trong chức năng, nhiệm vụ giữa cơ quan KTNN, TTNN với cơ quan thuế.  
  • PV: Một quy định mới trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là đại lý thuế muốn làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, thì phải có ít nhất một cá nhân có chứng chỉ kế toán. Bà nghĩ gì về quy định này?
  • - Bà Nguyễn Thị Cúc: Đây là điều chúng tôi khá bất ngờ, vì rằng rất nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ. Như tôi đã phát biểu rất nhiều lần, dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ hiện nay rất đơn giản, chỉ có 7 tài khoản. Tuy nhiên, luật lần này đã bổ sung thêm điều kiện là đại lý thuế muốn làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ phải có ít nhất một cá nhân có chứng chỉ hành nghề về kế toán (Điều 150). Như vậy có nghĩa, đại lý thuế muốn làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ phải có 3 chứng chỉ (2 chứng chỉ hành nghề đại lý thuế và 1 chứng chỉ kế toán), quy định này không hợp lý lắm. Trong luật cho phép đối với những người được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán được miễn, cấp kèm theo chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, mà người làm dịch vụ tư vấn thuế phải ký trên tờ khai và phải chịu trách nhiệm. Vì thế, tôi cho rằng, luật chưa thật sự cởi mở với DN làm dịch vụ tư vấn thuế. Điều này cũng sẽ làm cho các DN siêu nhỏ khó tiếp cận được các dịch vụ mà các đại lý thuế cung cấp.
  • * PV: Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2020. Để luật đi vào cuộc sống, theo bà công việc tiếp theo cần phải làm gì?
  • - Bà Nguyễn Thị Cúc: Như ta đã biết, luật có hiệu lực từ 1/7/2020. Chúng ta chỉ còn 1 năm để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành (nghị định, thông tư hướng dẫn). Vì quy định của luật lần này liên quan đến rất nhiều bộ, ngành. Vì thế, để luật đi vào cuộc sống thì các văn bản hướng dẫn phải thật cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tránh có những cách hiểu khác nhau. Để chất lượng của nghị định, thông tư được tốt, các cơ quan nhà nước cần phải triển khai ngay việc lấy ý kiến của cộng đồng DN, hiệp hội nghề nghiệp để làm sao việc triển khai luật có hiệu quả nhất. Đối với VTCA chúng tôi, ngay ngày 14/6, tại diễn đàn cà phê doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã truyền tải luôn những nội dung mới của Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Ngoài ra, trong tháng 7 này, VTCA dự kiến sẽ tổ chức hai hội thảo (tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) để tuyên truyền, hướng dẫn về những thay đổi trong luật cho đại lý thuế và cho DN. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, thì để luật đi vào cuộc sống, cần có trách nhiệm của cả cộng đồng DN. Vì nếu NNT không tuân thủ, thì luật không thể nào đi vào cuộc sống. Có thể nói, trách nhiệm ở đây là từ cả hai phía, khi chính sách của nhà nước cởi mở, thì ý thức tuân thủ của NNT cũng phải nâng lên.
  • * PV: Xin cảm ơn bà!
Theo Nhật Minh/ Thời báo Tài chính Việt Nam/ 28-06-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI