Điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài
Theo Ủy ban CKNN, thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia tích cực vào các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn như các thương vụ tại VNM, SAB, VJC, VRE, BSR VHM,... Điều này thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 theo báo cáo của FTSE Russell công bố ngày 27/9/2018 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn các cơ quan quản lý tài chính, các doanh nghiệp Nhà nước lớn đến London tổ chức tiếp xúc và đối thoại với các nhà đầu tư lớn của Vương quốc Anh. Sự kiện này nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp được Bộ Tài chính tổ chức tại những trung tâm tài chính lớn của thế giới. Điều này cho thấy, việc thu hút dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào thị trường vốn của Việt Nam đang là một trong những mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển kinh tế thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài.
"Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong công tác hoàn thiện chính sách phát triển thị trường chứng khoán, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đã được trình Quốc hội cho ý kiến, với nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện chính sách để thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Ngoài ra, cùng với các chính sách vĩ mô, Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Cùng với khả năng được nâng hạng, đây là cơ hội đầy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Trần Văn Dũng khẳng định.
Gián tiếp góp phần thu hút nhà đầu tư
Tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), nhiều nhóm chính sách gián tiếp liên quan tới thu hút vốn ngoại được sửa đổi, bổ sung. Bước tiến lớn nhất của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) là nâng sở hữu lên 100% trừ khi ngành nghề đặc thù có quy định riêng và… không còn điều khoản phụ thuộc vào Điều lệ doanh nghiệp.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Trọng tài viên VIAC, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nội dung quy định trực tiếp về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đã được đưa vào Dự thảo luật để tạo khung pháp lý cao hơn cho vấn đề này. Dự thảo luật quy định nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về quy định này nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện từng bước theo lộ trình, bảo đảm dư địa cho các bộ, ngành trong đàm phán, thương lượng và ký kết các thỏa ước quốc tế.
"Tất cả những quy định đó đều nhằm mục tiêu tăng tính minh bạch cho thị trường, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Qua đó giúp thị trường chứng khoán tăng tính thanh khoản, phát triển ổn định, bền vững và an toàn, từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường. Do đó, các chính sách này đều gián tiếp góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán", đại diện Ủy ban Chứng khán Nhà nước khẳng định.
Tuy nhiên, bà Tạ Thanh Bình cũng cho rằng, còn một số nội dung kiến nghị cần sự phối hợp của các cơ quan đơn vị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam như: Khái niệm về nhà đầu tư nước ngoài; rà soát giảm bớt các lĩnh vực cần hạn chế sở hữu nước ngoài theo hướng chỉ giữ lại những lĩnh vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực còn lại cho phép mở cửa; cắt giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài khi mở tài khoản vốn gián tiếp tại Việt Nam; cho phép ngân hàng thương mại trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ đại chúng theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu mở rộng các công cụ tài chính theo lộ trình phù hợp...
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 20 năm thành lập và phát triển của thị trường chứng khoán, số liệu cho thấy mức độ tham gia của khối ngoại tương đối lớn và ổn định, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Tính đến ngày 24/5/2019, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 4.264 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 7.486 tỷ đồng trái phiếu.