...

Sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Mọi thay đổi phải tính tới quyền lợi của tất cả doanh nghiệp

30 Tháng 10, 2019

Giới kinh doanh kỳ vọng những vướng mắc lâu nay trong hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến Luật Doanh nghiệp sẽ được giải quyết dứt điểm. Quan trọng hơn, các thay đổi này phải đến được mọi doanh nghiệp đang hoạt động, dù trong lĩnh vực nào.

doanh nghiệp mong muốn Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư được sửa đổi thông thoáng hơn. Ảnh: Đức Thanh
Doanh nghiệp mong muốn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được sửa đổi thông thoáng hơn. Ảnh: Đức Thanh

Không để có doanh nghiệp vô hình

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Dự thảo) với tâm trạng phấn khích.

“Cuối cùng, Dự thảo cũng đã sửa sai vấn đề đã phát hiện rất lâu rồi, đó là có những doanh nghiệp hay tổ chức hoạt động như doanh nghiệp không có trong hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Chúng tôi đang vô hình trong hệ thống dữ liệu doanh nghiệp của quốc gia”, ông Đức thắng thắn.

Cụ thể, Điều 3 của Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi theo hướng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp các luật chuyên ngành có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp thuộc diện này vẫn sẽ áp dụng thủ tục đăng ký doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp.

Tất nhiên, đó là đề xuất trong Dự thảo. Tới thời điểm này, sau 19 năm thực hiện các phiên bản của Luật Doanh nghiệp, Công ty Luật Basico và các công ty luật không hề có tên trong hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Họ đăng ký tại Sở Tư pháp theo Luật Luật sư, theo quy định dành cho tổ chức hành nghề luật sư. Cũng tại Sở Tư pháp, doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký thành lập theo Luật Đấu giá tài sản. Các công ty chứng khoán thì làm thủ tục thành lập tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước…

Sự phân tách này từng được lý giải để quản lý chặt chẽ vì tính đặc thù của các hoạt động này, song lại đang gây cản trở, thậm chí bất lợi cho các doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực luật sư hay chứng khoán, sẽ phải giải thể và thành lập một doanh nghiệp mới, chứ không thể tiến hành các thủ tục thay đổi ngành nghề kinh doanh...

Hậu quả là, ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính có liên quan, thì doanh nghiệp mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng.

Những lấn cấn về con dấu doanh nghiệp

Đề xuất bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng được ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tính đếm trong những nội dung hiện thực hóa mục tiêu giảm thời gian, chi phí trong khởi sự kinh doanh mà Dự thảo đang hướng tới.

“Doanh nghiệp toàn quyền quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu, mà không cần có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, kể cả việc đăng ký”, ông Hiếu giải trình.

Nhiều doanh nghiệp vỗ tay với quyết định này, nhưng các doanh nghiệp đang hoạt động trong hàng chục lĩnh vực khác vẫn không được hưởng lợi gì từ bước tiến đó. Do hoạt động theo các luật chuyên ngành, với những quy định đặc thù, nên các doanh nghiệp và tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Giám định tư pháp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Hợp tác xã… buộc phải có con dấu.

Đáng nói là, họ vẫn phải khắc dấu và đăng ký mẫu con dấu tại cơ quan công an như trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời. Cơ quan công an vẫn sẽ có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình quản lý và sử dụng con dấu của các doanh nghiệp là đối tượng được cơ quan công an cấp con dấu.

Đang có ý kiến cho rằng, cần phải bỏ hẳn quy định phải đóng dấu doanh nghiệp, trường hợp nào thật sự cần thiết thì phải quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp hoặc các luật khác.

Thậm chí, có doanh nghiệp đề nghị, nếu giữ lại thì cần thống nhất về con dấu đối với các doanh nghiệp dù có hoạt động trong lĩnh vực này…

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Công ty luật NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Luật Doanh nghiệp và kể cả Luật Đầu tư cần phải sửa đổi theo tư duy tạo sự bứt phá, buộc các luật khác phải sửa đổi theo, chứ không thể nương theo các luật hiện hành.

Đề nghị thừa nhận văn phòng ảo khi đăng ký kinh doanh

Trong văn bản gửi Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đã xếp đề nghị thừa nhận văn phòng ảo vào phần những vấn đề cần thiết phải sửa ngay.

Thực trạng vài trăm doanh nghiệp, thậm chí nhiều hơn, đăng ký kinh doanh ở một địa chỉ, với mỗi doanh nghiệp vài chục mét vuông đã phổ biến. Thậm chí, với sự phát triển của khu làm việc chung, trụ sở chính của nhiều doanh nghiệp có thể chỉ là chiếc bàn làm việc di động. Hơn thế, việc quản lý văn phòng trong các ngóc ngách lâu nay cũng không hiệu quả, nhiều địa chỉ không tìm được.

“Vì lẽ đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên quy định mở hơn, ví dụ không cần ghi biển hiệu như bình thường, doanh nghiệp kinh doanh văn phòng ảo”, ông Đức kiến nghị.

Điều 29, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có 4 nội dung chính là: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; vốn điều lệ; thông tin cá nhân của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Theo Khánh An Báo Đầu tư đăng ngày 26/02/2019

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI