...

Sửa quy định để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp

04 Tháng 7, 2023
Sửa quy định để khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp
 
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, nhằm gỡ khó cho thị trường.
 
 
Cần phân loại trái phiếu trên thị trường thành 3 loại: TPDN tuyệt đối an toàn, TPDN tương đối an toàn và TPDN có rủi ro.
Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
 
Nội dung quan trọng được Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi là giãn thời gian 1 năm, tức từ ngày 1/1/2024 mới thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do thị trường TPDN đang gặp khó khăn về thanh khoản, nên việc giãn thời gian thực hiện quy định trên sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân.
 
Ngoài ra, việc giãn thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc như tại Nghị định 65 sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí phát hành; đồng thời sẽ giúp doanh nghiệp giảm lượng TPDN đáo hạn đạt đỉnh trong 2 năm tới, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là những đề xuất nhằm khôi phục thị trường trái phiếu.
 
Theo Bộ Tài chính, về lâu dài, để thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, bền vững hơn thì cần phải sửa đổi tận gốc quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Luật chứng khoán. Định hướng là trong 5 – 7 năm tới, đối tượng tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm các công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại… khi thị trường phát triển đến trình độ nhất định thì sẽ xem xét đến việc tham gia của nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân.
 
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu không quá 2 năm được xem là một giải pháp tình thế gỡ vướng cho thị trường TPDN chứ Luật chứng khoán không quy định như vậy. 
“Trong lúc khó khăn của thị trường trái phiếu, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu kéo dài kỳ hạn lúc này là tốt nhưng không thể bắt buộc được. Việc kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu lúc này sẽ giảm căng thẳng thị trường, giúp doanh nghiệp có khả năng tồn tại và trả nợ. Còn việc doanh nghiệp phát hành TPDN và nhà đầu tư trái phiếu thỏa thuận thế nào là quyền của họ. Thỏa thuận mua trái phiếu là thỏa thuận của cá nhân nhà đầu tư chứ không phải thỏa thuận tập thể”, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
 
Theo đó, pháp luật chỉ nên quy định chi tiết các trường hợp khi có 51% hoặc 65% nhà đầu tư đồng ý kéo dài kỳ hạn phát hành TPDN thì quyền lợi của các nhà đầu tư còn lại không đồng ý kéo dài kỳ hạn phát hành sẽ được xử lý thế nào. Không thể mặc định nhóm các nhà đầu tư không đồng ý phải theo số đông nhà đầu tư đồng ý để kéo dài kỳ hạn phát hành.
 
Nhà đầu tư chấp nhận mua TPDN theo phương án lợi nhuận được doanh nghiệp công bố, họ chấp nhận thông tin trong cáo bạch doanh nghiệp trước khi mua trái phiếu nếu nay doanh nghiệp lại nói chưa đến hạn là không được.
 
Còn chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Giải pháp gia hạn kỳ hạn phát hành TPDN lúc này là cần thiết bởi nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không huy động được dòng tiền để trả cho nhà đầu tư thì đành phải khất nợ, gia hạn nợ.
 
“Ngay cả doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nếu gặp khó khăn, các ngân hàng cũng phải tiến hành giãn, hoãn thời gian trả nợ, tái cấu trúc khoản nợ cho doanh nghiệp. Việc cho phép doanh nghiệp đàm phán, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có cơ sở pháp lý để đàm phán với nhau. Giả sử không có quy định này thì doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư vẫn phải ngồi lại đàm phán với nhau chứ không thể làm khác được”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
 
Từ góc độ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, theo TS Lê Xuân Nghĩa, quy định này hỗ trợ thị trường rất nhiều, thay vì doanh nghiệp phải phát hành một đợt TPDN mới để đảo nợ TPDN đã phát hành thì họ có thể đàm phán, kéo dài kỳ hạn những lô TPDN cũ đã phát hành. Nếu doanh nghiệp thực hiện phát hành TPDN mới vào lúc này thì lãi suất sẽ rất cao trong khi nếu họ được gia hạn các lô TPDN cũ đã phát hành thêm hai năm thì lãi suất vẫn như cũ, có lợi cho doanh nghiệp.
 
Thực chất đây là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảo nợ TPDN, giữ nguyên được lãi suất huy động như cũ. Nhà đầu tư TPDN bị thiệt vì phải chấp nhận gia hạn trái phiếu trong bối cảnh thị trường căng thẳng về thanh khoản hiện nay.
 
Liên quan tới việc Bộ Tài chính đề xuất lùi thời hạn áp dụng quy định bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, một số chuyên gia tài chính cho rằng: Thay vì lùi thời gian áp dụng bắt buộc mọi doanh nghiệp phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trước khi phát hành TPDN, nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành TPDN. Theo đó, có thể áp dụng một số cơ chế ưu đãi với doanh nghiệp đã thực hiện xếp hạng tín nhiệm như: Cho phép họ phát hành TPDN không cần tài sản bảo đảm, lãi suất huy động thấp hơn, cho phép phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp ở hạn mức cao hơn… “Ngược lại với doanh nghiệp chưa thực hiện xếp hạng tín nhiệm, nếu phát hành TPDN phải tuân thủ điều kiện phát hành khó hơn, ngặt nghèo hơn. Như vậy mới khuyến khích các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện xếp hạng tín nhiệm, Luật sư Trương Thanh Đức  cho biết.
 
Minh Phương
 
 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI