...

Thay đổi xúc tiến xuất khẩu trong thời đại số

29 Tháng 10, 2019

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đặt ra yêu cầu hoạt động xúc tiến XK cần thay đổi theo hướng thiết thực, phù hợp hơn. Giờ đây, xúc tiến không phải chỉ nhìn vào thị trường mà là nhìn vào đối tác, đồng thời hoạt động của các hiệp hội, ngành hàng phải thực sự đồng hành, hỗ trợ sát sườn cho DN.

 
 
Xúc tiến XK hàng hóa không chỉ xoáy vào yếu tố thị trường mà cơ bản nhất là đối tác

DN trầy trật "bơi"

Trong câu chuyện xúc tiến XK của DN mình, ông Hồng Minh Đức, chủ một DN chuyên XK chè hữu cơ cho hay: Khởi nghiệp từ năm 2003, song đến năm 2013, DN vẫn trầy trật trong XK chè sang châu Âu vì ấn tượng xấu của thị trường này đối với chè Việt Nam. Theo ông Đức, người châu Âu ấn tượng xấu với chè Việt Nam do bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng không đạt tiêu chuẩn. "Chúng tôi đã phải lái xe lòng vòng ở châu Âu để gặp từng DN chế biến chè thô. Năm đầu tiên, không DN nào muốn tiếp chúng tôi và lấy lí do là bận. Năm thứ hai, chúng tôi liên tục gửi mẫu chè sang nhưng bị chối. Chúng tôi cứ tiếp tục kiên trì gửi mẫu và cuối cùng họ đã chấp nhận thử, ấn tượng với sản phẩm. Sau nhiều năm nỗ lực xúc tiến XK chè sang châu Âu, xuất phát chỉ 2 -3 sản phẩm, đến nay công ty đã có 30 sản phẩm chè XK. Mặc dù còn nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng DN đã tự tin hơn vào sản phẩm của mình, tiến tới thúc đẩy tìm các thị trường mới ", ông Đức chia sẻ.

Xung quanh câu chuyện xúc tiến XK của Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lại phân tích từ góc độ vì sao hàng Việt vẫn chưa thực sự thâm nhập tốt vào các thị trường. Theo ông Nam, những tiêu chuẩn về chất lượng, tiêu chuẩn về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... của Việt Nam không được làm đầy đủ, đồng bộ, được cái này mất cái kia. Bên cạnh đó, quy định của Việt Nam có những thứ lệch, thấp hơn chuẩn nước ngoài. Sản phẩm đạt được yêu cầu, quy định của Việt Nam nhưng lại không đạt được yêu cầu, quy định của các nước. Chính vì vậy, hàng Việt Nam khi vào các thị trường còn phải qua nhiều khâu kiểm dịch, kiểm định chất lượng.

Ngoài ra, DN Việt khi XK còn chưa nắm vững được nhiều yếu tố như luật lệ, thủ tục hành chính, thực tế của chính sách, tiêu chuẩn... từng thị trường. Trong khi đó, cơ quan nhà nước lại chỉ phổ biến chung chung, không có xúc tiến cụ thể. DN phải tự mày mò tìm hiểu nhu cầu từng thị trường để đưa ra sản phẩm đạt yêu cầu. "Kinh nghiệm cho thấy, với mỗi Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới mà Việt Nam tham gia thường xảy ra tình trạng, hàng các nước NK vào Việt Nam tăng nhanh chóng nhưng hàng XK Việt Nam vào các nước luôn chậm nhịp mất vài năm. Cản trở này không phải là lớn, DN Việt đều có thể vượt được nhưng cần có thời gian. Đòi hỏi đặt ra là cả DN và cơ quan quản lý nhà nước phải năng động hơn, tăng cường hợp tác trong công tác xúc tiến thương mại", ông Nam nhấn mạnh.

Xúc tiến nhắm vào đối tác

Xung quanh câu chuyện xúc tiến XK, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trọng tài viên VIAC, phân tích: Việt Nam tham gia tới 16-17 FTA và đang đẩy mạnh xúc tiến theo các FTA. Ví dụ, Việt Nam có lợi thế về đồ gỗ, dệt may, da giày, nông sản, có thể XK được nhưng hàng hóa phải đáp ứng nguyên tắc xuất xứ, hiểu thị trường, kết nối được với nhà phân phối. Đây là cách Việt Nam vẫn đang làm và cách làm này quan trọng với nhiều lĩnh vực của Việt Nam.

Cách xúc tiến thứ hai rất nhiều DN Việt Nam không biết. "Ví dụ, khi DN đang cung ứng chi tiết cho Samsung thì có phải XK không? Đó chính là DN là đang XK. Nhiều người hiểu rằng, XK là phải bán hàng đi và được trả ngoại tệ, song không phải như vậy. Ngoại tệ chỉ là phương thức thanh toán. Thực tế, khách du lịch đến Việt Nam là Việt Nam đang XK du lịch. Sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam cũng là XK... Xúc tiến XK nhiều khi không phải chạy ra nước ngoài mà làm việc ngay với các đơn vị như Samsung, Boing (Tập đoàn FPT ngồi viết phần mềm cho Boing cũng là XK)… Đây là một cách tiếp cận rất quan trọng. Đó là sự vươn lên, từ người làm thuê thành người làm chủ logistic, làm chủ phân phối", chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Võ Trí Thành, điểm quan trọng trong xúc tiến thương mại hiện nay là Việt Nam phải nhìn thị trường không chỉ ở một quốc gia mà là ở tầm kết nối quốc gia, khu vực và toàn cầu. Xúc tiến thương mại cũng không chỉ xoáy vào yếu tố thị trường mà cơ bản nhất là đối tác. Bởi, một công ty ở Việt Nam, ở Mỹ nhưng ông chủ có thể lại ở Hàn Quốc. "Vấn đề sở hữu có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Đối tác không phải chỉ để cùng XK mà phải xúc tiến cả NK, là yếu tố đầu vào, là chuỗi cung ứng... , như vậy phải xúc tiến cả XK lẫn NK. Nhiều đơn vị trung gian hiện nay là đối tác đầu vào quan trọng cho DN. Các câu chuyện như Việt Nam phải chơi với đối tác đầu vào nào để hợp với FTA nào mà Việt Nam tham gia là việc mà Bộ Công Thương phải xem xét, triển khai", chuyên gia Võ Trí Thành nói.

Thay "áo mới" cho hiệp hội

Đứng từ góc độ DN, giám đốc một công ty chuyên XK nông sản cho rằng: Phải thay đổi tư duy trong xúc tiến thương mại. Điều gì Nhà nước làm được thì cứ làm. Điều gì DN làm được thì phải tự làm, phải tự cứu mình. Vị này chia sẻ đã từng làm công tác thương vụ tại nước ngoài trước khi chuyển sang làm DN. Trên thực tế, thương vụ khá bận, thường xuyên phải đón khách, ít có thời gian cho khâu xúc tiến, cần có cách tiếp cận khác. "Tại sao không thể có thương vụ nhân dân? Hiệp hội chính là để lo việc này. Hiệp hội có thể thành lập văn phòng xúc tiến thương mại. Tài chính sẽ do các thành viên đóng góp. DN nào sử dụng thông tin tư vấn, tiến hành kiểm tra đối tác tại nước ngoài thì DN đó phải trả tiền. Nhân sự của văn phòng này có thể là chính các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở nước ngoài. Tôi đề nghị hiệp hội thành lập văn phòng xúc tiến thương mại nước ngoài, quy mô từ nhỏ đến lớn. Ban đầu có thể văn phòng này chỉ có 1-2 người để mức chi phí bỏ ra thấp nhất và thu về hiệu quả cao nhất", vị đại diện DN bày tỏ quan điểm.

Góp thêm quan điểm cho vấn đề này, nhìn từ góc độ ngành chè, ông Đức phân tích: Hiện nay, nguồn lực của các DN trong ngành chè còn hạn chế. Để XK sản phẩm sang các thị trường khó tính, DN cần duy trì sản xuất, chứng nhận, nắm bắt xu thế mới, phát triển thị trường mới. Tuy nhiên, nguồn lực của DN chỉ cho phép tập trung vào 1 - 2 vấn đề trọng tâm gồm phát triển dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm. "Các việc khác như duy trì chứng nhận, thông tin thị trường thì cơ quan quản lý và hiệp hội, ngành hàng sẽ hỗ trợ DN. Hiệp hội nên thay đổi cách làm như mô hình cũ mà thay vào đó hoạt động như một DN, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mà DN cần. Nhà nước sẽ đóng vai trò như một đơn vị cung cấp thông tin cho DN", ông Đức nói.

Theo Vietnam Logistics Review (VLR)/ 06-05-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI