...

Thị phần hàng hóa qua cảng biển còn chênh

29 Tháng 10, 2019

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 10 - 13%/năm. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng khá chênh lệch.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 309 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018

Tăng 13%

Theo báo cáo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 309 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng hàng hóa container đạt hơn 9,1 triệu Teus, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao nhất so với cả nước là: Thanh Hóa tăng 86% (chủ yếu là hàng phục vụ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), Quảng Nam tăng 78%. Ngoài ra, một số khu vực cảng biển Hà Tĩnh, Bình Thuận cũng đạt mức tăng từ 58-62%.

Bên cạnh những cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao, ở chiều ngược lại, một số cảng lượng hàng hóa thông qua lại giảm mạnh như Nha Trang, Cần Thơ (giảm từ 15-41%).

Tính riêng tháng 6, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 51,46 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng container đạt hơn 1,5 triệu Teus, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù sản lượng hàng qua cảng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, song theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, mức tăng của hàng hóa thông qua cảng biển những tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, lượng hàng container qua cảng biển chỉ tăng 3% trong 6 tháng đầu năm là do sự sụt giảm mạnh lượng hàng thông qua ở một số khu vực như: Mỹ Tho giảm 55% (từ 3.802 Teus còn 1.722 Teus), Quảng Ninh giảm 47% (từ hơn 74.264 Teus còn 39.175 Teus.

Thị phần chênh lệch

Sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng cao nhất trong mấy năm trở lại đây, ước đạt 13%. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng khá chênh lệch.

Cụ thể, khu vực các cảng phía Bắc chiếm 25 - 30% khối lượng vận tải nên công suất vẫn còn thừa. Các cảng miền Trung chỉ chiếm 13% tổng sản lượng thông qua đang ở tình trạng thiếu hàng hóa, chỉ sử dụng một phần công suất.

Trong khi đó, các cảng phía Nam chiếm đến 57%, riêng sản lượng container qua cảng chiếm đến 90%, hiện đang quá tải. Nhiều ý kiến cho rằng, công suất các cảng giữa các cảng biển chênh lệch lớn như trên phản ánh một tầm nhìn hạn hẹp trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.

Phân tích với báo Giao thông về sự chênh lệch hàng hóa giữa các cảng biển hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, trọng tài viên VIAC, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, mỗi vùng kinh tế có những đặc điểm khác nhau để tận dụng và phát huy lợi thế của cảng biển.

Ông Thiên nêu ví dụ: cảng TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có sự hậu thuẫn về công nghiệp phát triển mạnh thì việc phát triển kinh tế, thông thương tại cảng biển tăng cao là lẽ đương nhiên.

"Tại khu vực miền Trung hậu phương về công nghiệp kém hơn, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế. Do đó, hiệu quả của cảng biển ngoài điều kiện tự nhiên còn phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, hệ thống giao thông kết nối đảm bảo cho cảng hoạt động", ông Thiên cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: phần quy hoạch và hàng hóa thông qua thực tế lại không chênh lệch nhiều. Cụ thể, theo quy hoạch, lượng hàng thông qua Nhóm cảng biển số 1 (Hải Phòng, Quảng Ninh) là 26% tổng lượng hàng cả nước, thực tế hiện tại là 31%.

Nhóm 5 (TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương) là nhóm phát triển nóng, quy hoạch chiếm 43% tổng lượng hàng thông qua, thực tế hiện chiếm khoảng 40%. Ba nhóm thuộc khu vực miền Trung là: Nhóm 2, 3, 4 (từ Nghi Sơn, Thanh Hóa đến Vân Phong, Khánh Hòa) quy hoạch 26,5%, thực tế đạt 25%. Nhóm 6 (ĐBSCL, Cần Thơ) quy hoạch là 4%, thực tế sản lượng thông qua là 3,5%, ông Thu cho biết.

"Về cơ bản quy hoạch và sản lượng thông qua là tương đương nhau, chỉ riêng nhóm 1 chênh nhau 6%”, ông Thu thông tin.

Theo Thành An/ Diễn đàn Doanh nghiệp/ 03-07-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI