Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến “an ninh” của các ngành sản xuất của Việt Nam. Đó là chia sẻ của ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
* PV: Thưa ông, EVFTA được kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng không nhỏ. Xin ông cho biết những thách thức nhìn từ góc độ pháp lý?
- Ông Trần Hữu Huỳnh: Cơ hội đến từ EVFTA, ví dụ như với những yêu cầu về cải cách thể chế và với yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng như nền công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại của EU... sẽ tạo nên làn sóng cải cách một cách thực sự và sâu rộng về cơ cấu sản xuất của Việt Nam, góp phần làm cho chất lượng phát triển của nền kinh tế Việt Nam được tốt hơn.
Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết, Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, tiến bộ hơn trong việc quản lý và chế độ đối đãi với người lao động, các quy chuẩn về nguồn lao động… Đồng thời, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong việc cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vì lợi ích của chủ sở hữu và người tiêu dùng. Về thách thức, thời gian qua chúng ta đã bàn nhiều, nói nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh dưới góc nhìn pháp lý là thực thi EVFTA, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại, đầu tư. Mặt khác, nếu Việt Nam làm không cẩn thận, kiểm soát không tốt, để xảy ra tình trạng các đối tác mượn Việt Nam làm thị trường trung gian chuyển tải hàng hóa, làm giả về xuất xứ… thì sẽ làm phương hại đến hình ảnh sản xuất, uy tín của Việt Nam. Ngoài ra, về sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động, bởi đâu đó trong các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền được hỗ trợ của lao động nữ...
* PV: Xin ông cho biết cụ thể những thách thức đe dọa về “an ninh” đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… khi thực thi EVFTA?
Ông Trần Hữu Huỳnh: Rõ ràng, khi EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội phát triển rất lớn cho các ngành nước ta có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản…Tuy nhiên thách thức cũng không phải là nhỏ. Tôi cho rằng thách thức lớn nhất nằm ở chỗ, khi thuế quan được giảm thì chắc chắn kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng và nguy cơ áp dụng các biện pháp tự về cũng lớn lên, ví dụ như các biện pháp về hạn ngạch, tăng thuế… Bên cạnh đó, khi EVFTA chính thức được thực thi với nhiều ưu đãi về thuế quan như vậy sẽ có nhiều nhà sản xuất mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Khi ấy, gian lận thương mại sẽ trở thành nguy cơ. Nếu Việt Nam kiểm soát không tốt làm cho lượng hàng hóa tăng đột biến thì các biện pháp tự vệ thương mại hay chống lẩn tránh thuế sẽ được các nước của EU áp dụng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến “an ninh” của các ngành sản xuất của Việt Nam.
* PV: Vậy theo ông cần giải quyết vấn đề này như thế nào để đảm bảo được an ninh kinh tế nói chung, cũng như bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam?
- Ông Trần Hữu Huỳnh: Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhất là khi các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) được thực thi thì nước ta cần tiếp tục tạo môi trường, cơ chế thông thoáng nhằm nắm bắt các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, nước ta cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng. Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ điều này, do đó ngay sau khi EVFTA được ký kết cuối tháng 6, đến đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” - nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Đây là một việc làm rất kịp thời của Việt Nam để từ đó có hành lang tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cần thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư biết; luôn theo dõi sâu sát và cập nhật tình hình cụ thể về vấn đề này, nhất là đối với các mặt hàng có số lượng xuất khẩu gia tăng đột biến… để có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm kịp thời. Một điểm đáng lưu ý nữa là chính các doanh nghiệp Việt cần ý thức rõ về câu chuyện này, không nên tiếp tay cho các nhà đầu tư gian lận làm ảnh hưởng đến nền sản xuất và uy tín của đất nước. Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước như cơ quan thống kê, quản lý thuế, hải quan, các sở kế hoạch đầu tư…. * PV: Xin cảm ơn ông!