Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay của ngành ngân hàng được giới phân tích tài chính cho là hợp lý, không thấp.
Nỗ lo vốn mỏng
Một trong những lý do khiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 khó được đẩy nhanh và tăng cao là thực trạng vốn mỏng của các ngân hàng và nếu không tăng được vốn, các nhà băng này sẽ bị hạn chế cho vay khi Hệ số an toàn vốn (CAR) đụng trần.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến năm 2020 - thời điểm tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn Basel II về CAR. Tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn vẫn còn rất gian nan đối với các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng lớn như VietinBank, BIDV...
Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020 đã được dư luận đề cập rất nhiều trong 2 - 3 năm trở lại đây. Nếu như các ngân hàng cổ phần tư nhân đã nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua, điển hình như VPBank, Techcombank, MB, OCB, VIB..., thì các ngân hàng lớn, ngoại trừ Vietcombank, vẫn đang trong vòng xoáy khó tăng vốn.
Chính việc hạn chế về vốn khiến các ngân hàng không chỉ không đáp ứng được quy định về CAR, mà còn cản trở hoạt động kinh doanh do phải đáp ứng hàng loạt quy định khác trong hoạt động. Không thể tăng tín dụng vì CAR đụng trần.
Chủ tịch VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho rằng, việc tăng vốn là đặc biệt cấp bách đối với nhà băng, nên Ngân hàng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020.
Theo ông Thọ, do hệ số CAR của VietinBank đã tới mức tối thiểu, nên từ tháng 9/2018 tới nay, Ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng. Tín dụng của VietinBank cả năm 2018 chỉ tăng 6,1%, riêng quý IV/2018 giảm hơn 26.000 tỷ đồng vì không tăng được vốn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân buộc nhà băng này phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh, giảm mục tiêu lợi nhuận trong tháng cuối của năm tài chính 2018. Kết thúc năm 2018, VietinBank đạt trên 6.800 tỷ đồng trước thuế, rời Top 5 ngân hàng đạt mức lợi nhuận cao nhất trong năm qua.
Tín dụng khó tăng?
Người đứng đầu VietinBank cho biết, thách thức trong năm 2019 là toàn hệ thống phải nâng cao năng lực tài chính. Trong nhiều năm trở lại đây, VietinBank đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng vốn tự có, nhưng các biện pháp thực hiện đã được khai thác tới hạn, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã ở mức tối thiểu (64,46%), tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài đã đạt tới 30%. Do đó, để năng cao năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ đảm bảo an toàn, VietinBank rất cần được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ. Cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cũng cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn.
Với Vietcombank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng này đưa ra cho năm nay ở mức 15% và tham vọng đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng trước thuế. Tuy nhiên, nỗ lực trước hết đối với Vietcombank là tăng vốn để nâng hệ số CAR, mở rộng tín dụng.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, ông Phan Đức Tú cũng có một số kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Một là, phát triển thị trường chứng khoán như một kênh vốn dài hạn chủ yếu của nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ về áp lực vốn dài hạn với hệ thống ngân hàng.
Hai là, có các biện pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Riêng với BIDV, đề nghị trước mắt tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để Ngân hàng có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất. Nhà băng này đã được bật đèn xanh bán vốn cho Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc để tăng thêm vốn. Tín dụng năm 2018 của BIDV tăng 14%, thấp hơn các năm trước, nhưng đạt được các kết quả khả quan, trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt trên 9.900 tỷ đồng.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà ngành ngân hàng đặt ra trong năm 2019, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho là phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay khi không còn sức ép tăng trưởng tín dụng để kích cầu như trước. Ngược lại, việc đẩy mạnh vốn cần được kiểm soát, nhất là đối với lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản, để hạn chế rủi ro nợ xấu. Đồng thời, theo ông Lịch, với ngân hàng Việt, điều kiện cần trước hết là năng lực quản trị, năng lực tài chính và việc tiến tới áp dụng chuẩn Basel II.
Ngân hàng chạy đua tăng vốn điều lệ
Năm 2018, cuộc chạy đua vốn điều lệ ở hệ thống ngân hàng rất khốc liệt. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép một số ngân hàng tăng vốn điều lệ. Trong đó, Techcombank được tăng vốn điều lệ từ 11.655 tỷ đồng lên 34.965 tỷ đồng, đưa ngân hàng này lọt Top 3 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank hiện là các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất, lần lượt là 35.978 tỷ đồng, 34.187 tỷ đồng, 37.234 tỷ đồng, 34.966 tỷ đồng. Trong số này, VietinBank có vốn điều lệ cao nhất, dù chưa có sự thay đổi từ năm 2014 tới nay. Tuy nhiên, thứ hạng rất có thể thay đổi trong thời gian tới đây.