Thưa ông, ông có nhận định gì về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm hiện nay?
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ tranh chấp bảo hiểm thời gian qua, nhưng theo như cá nhân tôi quan sát, ngày càng xuất hiện các vụ tranh chấp bảo hiểm phức tạp và kéo dài. Thời gian giải quyết mỗi vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tại Tòa kéo dài, có những vụ tranh chấp phức tạp mất từ 03 đến 05 năm, cá biệt có những vụ việc kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa kết thúc. Tôi cho rằng các vụ tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm.
Khi có tranh chấp xảy ra, PJICO thường lựa chọn giải quyết tranh chấp theo phương thức nào?
Cũng giống như các tranh chấp thương mại thông thường, tranh chấp bảo hiểm cũng có thể được giải quyết thông qua 04 phương thức bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Tại PJICO chúng tôi, khi có tranh chấp xảy ra, đầu tiên chúng tôi luôn áp dụng thương lượng hay hòa giải để giải quyết, cố gắng tìm phương án hài hòa nhất cho cả hai bên người bảo hiểm và người được bảo hiểm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp thương lượng và hòa giải không có kết quả thì chúng tôi buộc phải đưa tranh chấp ra các cơ quan tài phán như trọng tài hoặc tòa án.
Ông có vừa nhắc đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, theo ông liệu phương thức này có hiệu quả khi giải quyết tranh chấp bảo hiểm hiện nay hay không?
Trọng tài và tòa án đều là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại đang được áp dụng rộng rãi cả ở Việt Nam và trên thế giới. Mỗi phương thức đều có những ưu nhược điểm khác nhau và mỗi doanh nghiệp sẽ có nhận định khác nhau để lựa chọn sử dụng. Với tôi, một số ưu điểm của trọng tài là phù hợp để giải quyết tranh chấp bảo hiểm đó là tính bí mật, tính linh hoạt và việc được lựa chọn trọng tài viên để giải quyết vụ tranh chấp. Tranh chấp bảo hiểm có những đặc thù riêng, cần phải có những chuyên gia trong nghề mới hiểu và phân tích đúng được. Vì vậy việc được lựa chọn trọng tài viên có thể giúp doanh nghiệp yên tâm hơn về người phân xử tranh chấp của mình. Bên cạnh đó yếu tố thời gian giải quyết tranh chấp cũng là điều đáng để lưu tâm. Thực tế có những vụ tranh chấp bảo hiểm chỉ giải quyết trong vòng 15 đến 20 ngày còn thời gian trung bình là khoảng 4 đến 5 tháng. Tính thân thiện của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng giúp các bên giữ được mối quan hệ hợp tác làm ăn trong tương lai.
Vậy là trong các hợp đồng bảo hiểm của PJICO đều sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài?
Không hẳn như vậy, trong hợp đồng của PJICO hiện nay có sử dụng cả tòa án và trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Tùy từng hợp đồng mà chúng tôi lựa chọn cho hiệu quả. Tuy nhiên theo như tôi được biết, hiện nay các công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài vừa chọn tòa án để khi có tranh chấp xảy ra mới lựa chọn phương thức giải quyết sao cho phù hợp nhất với tính chấp vụ tranh chấp cũng như điều kiện của doanh nghiệp.Cùng với đó, tôi cũng biết, có nhiều điều khoản giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng bảo hiểm theo mẫu của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác chỉ lựa chọn Tòa án. Tuy nhiên, khi có tranh chấp phát sinh giữa họ và khách hàng, các bên tranh chấp đã ngồi lại với nhau ký thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Trọng tài chỉ có thể giải quyết tranh chấp khi hai bên có điều khoản trọng tài, tuy nhiên trên thực tế hiện nay, tranh chấp bảo hiểm nhiều khi không phải phát sinh từ 2 bên trong hợp đồng bảo hiểm mà lại với một bên thứ ba. Vậy liệu sử dụng trọng tài có hiệu quả?
Theo nguyên tắc thế quyền, doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình. Nguyên tắc này cho phép người được bảo hiểm đòi số tiền từ bên chịu trách nhiệm cho tổn thất, cũng có giá trị pháp lý khi cho phép công ty bảo hiểm lấy lại số tiền tương ứng từ người gây ra tổn thất. Thực tế như tôi được biết, hiện nay một số trung tâm trọng tài chẳng hạn như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp bảo hiểm mà ở đó doanh nghiệp bảo hiểm nhận “Thế quyền” truy đòi bên thứ ba.
Có một số ý kiến cho rằng việc thi hành các phán quyết của trọng tài nhiều khi còn gặp phải khó khăn vì chủ yếu dựa vào sự tự nguyện của các bên, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Đây là một hiểu lầm phổ biến của các doanh nghiệp khi cân nhắc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay tòa án. Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng trọng tài chỉ là một bước trước khi đưa ra tòa án hay trọng tài chỉ giống như hòa giải, phán quyết trọng tài không có khả năng ràng buộc các bên… Trên thực tế, phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Nếu đem thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành; phán quyết trọng tài cũng có thể được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
Còn vấn đề nào theo ông khiến doanh nghiệp bảo hiểm ngần ngại khi chọn trọng tài, thưa ông?
Có lẽ đó là phí trọng tài. Vì trọng tài là tài phán tư (trong khi Tòa án là tài phán công) nên phí trọng tài cao hơn so với án phí tại Tòa án. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng phí trọng tài chỉ là một yếu tố khi họ cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Các trung tâm trọng tài niêm yết công khai biểu phí, hướng dẫn nộp và xuất hóa đơn tài chính đầy đủ cho bên nộp phí trọng tài. Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên với việc trọng tài giải quyết tranh chấp nhanh cũng là yếu tố chúng ta cần cân nhắc khi nghĩ tới vấn đề “phí” này vì ai cũng hiểu rằng thời gian là tiền.
Bên cạnh tòa án và trọng tài, một phương thức mới cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp hiện nay là hòa giải thương mại, theo ông liệu phương thức này có thể áp dụng với tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong tương lai hay không?
Chúng tôi cũng đã có biết về phương thức giải quyết tranh chấp này. Sau khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải được ban hành, chúng tôi cũng đã có nghiên cứu để xem có thể áp dụng được hay không. Kinh nghiệm của các nước như Mỹ, Anh, Hồng Kông, Singapore… cho thấy phương thức này có những ưu điểm như giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí, bảo vệ bí mật kinh doanh của các bên, tiếp tục duy trì mối quan hệ kinh doanh giữa các bên, tạo được sự tin cậy lẫn nhau. Cùng với đó, hòa giải thương mại thực sự hữu ích vì kết quả hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp. Kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự, được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Việc này khác hẳn với suy nghĩ trước đây của doanh nghiệp là kết quả hòa giải không có tính ràng buộc cho hai bên.
Cảm ơn ông về buổi phỏng vấn rất nhiều thông tin bổ ích vừa qua.