...

Trọng tài giải quyết tranh chấp trực tuyến

29 Tháng 10, 2019

Căn cứ vào mối quan hệ giao dịch thương mại giữa các chủ thể, người ta chia hợp đồng điện tử (trực tuyến) thành các loại, gồm: hợp đồng giao kết giữa DN với DN; giữa DN với người tiêu dùng, hoặc ngược lại giữa người tiêu dùng với DN; giữa các cá nhân với nhau; giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan hành chính khác…

Đối với loại giao dịch này, phần lớn các bên không trực tiếp gặp gỡ mà sử dụng phương tiện liên lạc qua mạng internet để giao kết hợp đồng. Hiện tại, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Australia, Canada… cho phép các bên giải quyết tranh chấp thông qua thực hiện thủ tục khởi kiện và tố tụng qua mạng internet. Bên cạnh đó, mô hình trọng tài trực tuyến (giống với mô hình trọng tài truyền thống) cũng được áp dụng vào môi trường mạng.  

Bàn về xu hướng giải quyết tranh chấp qua mạng internet tại Diễn đàn xuất khẩu 2019 vừa diễn ra ở TPHCM, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng đây chính là phương thức giao dịch phổ biến của nền kinh tế số. Lúc này, việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bản giấy sang thư điện tử (email); thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch thông qua các hợp đồng điện tử.

Hiện có 4 phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến, gồm: thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.

Vậy làm thế nào để có thể tránh rủi ro khi ký kết các hợp đồng thương mại điện tử? Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, tốt nhất DN nên áp dụng công cụ số hóa an toàn. DN khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin “thông minh” cho việc ký kết hợp đồng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử và hợp đồng thương mại điện tử. Chứng cứ trong giao dịch thương mại điện tử gồm những chứng từ điện tử mà các bên xác lập nên, gồm: hợp đồng, đề nghị, thông báo…

Chưa kể, trong các giao dịch điện tử còn có thêm các tổ chức, đơn vị trung gian khác cùng tham gia, được gọi là “người trung gian”. Chẳng hạn như trung tâm thanh toán điện tử, tổ chức chứng thực chữ ký số, tổ chức gửi/nhận, lưu trữ thông tin điện tử… DN khi tiến hành các giao dịch điện tử cần lưu ý đến “người trung gian”, cũng như lưu trữ các giao dịch để bảo vệ mình. Toàn bộ các chứng cứ này được lưu trữ trên hệ thống thông tin nên DN cần phải biết cách tìm kiếm hoặc xử lý phù hợp. Trường hợp gặp tình huống rủi ro (bị lừa đảo, quỵt nợ…), thì người mua hoặc người bán có thể lấy các dữ liệu này làm cơ sở cho việc khởi kiện.

Theo Thanh Lâm, SGGP, 12.09.2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI