Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo báo cáo mới đây của CIEM, năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân đạt khoảng 3,88%.
Báo cáo cũng chỉ ra những tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và mức độ sẵn sàng tham gia của Việt Nam. Qua đó, khẳng định Việt Nam có điều kiện và lợi ích to lớn trong việc tham gia CMCN 4.0. Việc tham gia nhanh hay chậm sẽ quyết định tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được năng suất cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn và mức độ thịnh vượng lớn hơn.
Đồng thời, các chuyên gia của CIEM cũng đánh giá những nhiệm vụ chưa hoàn thành sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ và những yêu cầu mới trong bối cảnh thế giới chuyển đổi mạnh mẽ nhằm thích nghi với nền sản xuất mới của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, phát triển các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, cần chú trọng nâng cao các yếu tố của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công và thực tiễn pháp lý tốt.
Một mũi tên trúng nhiều đích...
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ, hiện nay có những tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên, không chỉ trong bất động sản mà còn trong sản xuất, các ngành công nghệ, kinh tế tư nhân cũng tham gia phát triển hạ tầng, tham gia công trình lớn... Về mặt chính sách đã có sự thay đổi tích cực về quan điểm cũng như tư duy đối với kinh tế tư nhân.
"Nếu như trước đây, đi đâu cũng thấy tập đoàn nhà nước thì giờ đây thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Nếu khai thác được những dự án của tư nhân thì vừa huy động vốn phát triển kinh tế, vừa phát triển kinh tế tư nhân. Một mũi tên trúng nhiều đích" - TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Kinh tế chính sách vĩ mô của CIEM nhận định, Việt Nam bước vào năm 2019 với nhiều kỳ vọng nhưng cũng đan xen rất nhiều thách thức. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng sau những cam kết cải cách của Chính phủ cũng như khả năng ứng phó hiệu quả của Chính phủ trước những cú sốc từ bên ngoài. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và CMCN 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực từ bên ngoài.
Đồng thời, ông Dương nhấn mạnh, việc ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một ưu tiên quan trọng, nhưng rủi ro suy giảm kinh tế toàn cầu đòi hỏi thêm "một chút" linh hoạt. Ví dụ như: Hài hòa kiểm soát lạm phát với lộ trình điều chỉnh giá (tránh ép hành chính); Chính sách tiền tệ vẫn giữ vai trò chính và cần tiếp tục chủ động, có sự phối hợp từ chính sách khác. Đồng thời, chính sách tài khóa cần hướng nhiều tới giảm chi phí cho doanh nghiệp (chứ không chỉ là kết hợp tăng thu và hỗ trợ cho doanh nghiệp).