98% doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nhưng theo thứ tự ưu tiên tiếp cận nguồn lực, các doanh nghiệp này xếp ở cuối bảng, sau DNNN, doanh nghiệp FDI và các tập đoàn tư nhân lớn. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), các tập đoàn tư nhân lớn, sau khi đủ sức để phát triển, sẽ có xu hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhiều hơn.
Với quan sát của ông, đâu là những chỉ số vĩ mô ấn tượng trong kinh tế quý I/2019?
Điểm ấn tượng của tôi là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam tương đối khá trong quý I, đạt 6,79% là mức có thể nói là cao nhất trên thế giới. Cách thức tăng trưởng của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi.
Cụ thể, chúng ta không dựa vào gia tăng tín dụng, cũng không phải dựa vào khai thác tài nguyên. Việt Nam đang tăng trưởng chủ yếu nhờ vào những cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và qua đó thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất. Đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.
Ấn tượng thứ hai là trong lúc kinh tế thế giới có hướng suy giảm toàn cầu, hầu như tất cả các nước xuất khẩu tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng dương và có thặng dư thương mại.
Dù tăng trưởng cao và được đánh giá bền vững nhưng gần đây giới chuyên gia vẫn nhắc đến cảnh báo Việt Nam có thể gặp rủi ro tụt hậu ở vòng 2: Thua cả Lào, Campuchia. Ông nghĩ sao về điều này? Thực tế thì World Bank ghi nhận GDP đầu người của Việt Nam đang thấp hơn Lào. Bên cạnh đó, Lào và Campuchia cũng là một điểm thu hút người lao động Việt sang xuất khẩu mạnh mẽ.
Không chỉ các những các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau, ngay cả các quốc gia cũng thế, đặc biệt ở các nước trong cùng một khu vực. Họ buộc phải cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực nội tại, tăng tốc phát triển đất nước, nhất là những nước kém phát triển hơn, họ sẽ nỗ lực gấp đôi, gấp ba...để thu hẹp khoảng cách, bắt kịp các nước phát triển hơn.
Như vậy, việc Lào và Campuchia vươn lên là điều bình thường. Tuy nhiên, cảnh báo về Việt Nam bị tụt hậu so với hai nước này thì cũng chỉ là nói thôi, còn bản thân tôi không tin điều đó sẽ xảy ra.
Việt Nam đang trong đà cải cách rất lớn. Trong 5 – 10 năm tới, xu hướng GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao trong khu vực.
GDP bình quân đầu người chưa hẳn là tất cả. Có thể Lào hay Campuchia đã và sẽ thu hút được những dự án lớn, của nước ngoài làm cho GDP bình quân đầu người tăng lên đột biến. Tuy nhiên, nó không hàm nghĩa là thu nhập bình quân đầu người của người dân những nước này tăng tương ứng. Như vậy, cần phải xem xét các chỉ số khác nữa.
Tôi vẫn cho rằng các quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với nhau nhưng tụt hậu vòng 2 theo nghĩa này thì không.
Việc một bộ phận doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ là một điều đáng mừng nhưng nó cũng đặt ra một nỗi lo ngại về việc lớn nhanh quá theo tốc độ tỷ lệ và đa dạng hoá ngoài lĩnh vực, gây rủi ro cho cả nền kinh tế nếu có vấn đề. Ông nghĩ sao về điều này?
Kinh nghiệm các nước đặc biệt Hàn Quốc cho thấy đây là thực tế đã xảy ra. Nếu doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phát triển quá nhanh, lại thiếu minh bạch và dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, vượt ra ngoài tầm kiểu soát rủi ro của người quản lý thì đây là điều đáng lo ngại, điểm rủi ro với nền kinh tế.
Cũng liên quan đến các tập đoàn lớn, liệu những đơn vị này – vốn có rất nhiều nguồn lực về đất đai, thậm chí hỗ trợ về chính sách, khi phát triển mạnh mẽ, có ảnh hưởng đến DNNVV vốn chiếm tới hơn 98% doanh nghiệp của Việt Nam?
Tôi không nhìn thấy mâu thuẫn giữa phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn với đại bộ phận DNNVV. Khi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam phát triển, tôi tin họ có thiên hướng kết nối với doanh nghiệp nhỏ nội địa nhiều hơn doanh nghiệp FDI hay DNNN.
Tại sao như thế? Là bởi họ hiểu rằng không thể tồn tại riêng lẻ. Dù họ có dồi dào nguồn lực đến đâu, họ cũng không thể đầu tư tất cả mọi thứ. Có thể thấy rõ nhất là các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam, họ thường kéo theo rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ từ nước họ đi cùng.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về năng suất lao động, già hoá dân số... mà nếu không giải quyết sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng, ông bình luận như thế nào về việc này? Và cách thức nào để chúng ta ứng phó?
Già hoá dân số là một sự phát triển tự nhiên của một quốc gia, nước nào cũng có thời kỳ dân số vàng và sau đấy bước đến giai đoạn này. Lo ngại mà chúng ta hay nói đến là việc Việt Nam hay già mà chưa kịp giàu, già mà vẫn nghèo, đấy mới là vấn đề.
Còn năng suất lao động thấp là hệ quả của một cấu trúc kinh tế và cách thức tăng trưởng. Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, kiến nghị và phần lớn khi nói đến nâng cao năng suất người ta nghĩ đến đầu tiên là áp dụng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên đấy chỉ là hô hào suốt mấy chục năm thôi, đó là điều hiển nhiên. Cái chính là phải đặt được câu hỏi làm thế nào để doanh nghiệp có động lực là luôn luôn áp dụng đổi mới công nghệ. Một vấn đề khác đồng thời cần đặt ra là làm sao để doanh nghiệp có năng lực hấp thụ, nghiên cứu và phát triển. Đấy là hai thứ cần trả lời.
Tôi cho rằng để doanh nghiệp có động lực phát triển khoa học công nghệ thì buộc họ phải cạnh tranh. Như vậy môi trường cạnh tranh công, bằng bình đẳng là yếu tố cần thiết.
Mặt khác, để doanh nghiệp có năng lực phát triển công nghệ, cần có bàn tay hỗ trợ của nhà nước cũng như các tổ chức chức trung gian hỗ trợ.
Ở Việt Nam cả hai yếu tố này đều đang rất thiếu nên cứ hô hào hay yêu cầu áp dụng công nghệ thành động lực cho tăng trưởng là không đủ. Phải nỗ lực cải cách nhiều hơn nữa, nâng cao, mở rộng quy mô của thị trường, và mức độ cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế.
Thường xuyên nhắc đến yếu tố thị trường, vậy theo ông, bằng cách nào để Việt Nam hoàn thiện được cơ chế này?
Theo tôi cải cách thể chế luôn phải hướng đến phát triển hoàn thiện các loại thị trường, nâng cao quy mô, mức độ, đảm bảo cạnh tranh thị trường bình đẳng; đồng thời nâng cao được hiệu lực quản lý nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thiện cơ chế thị trường có mấy việc ưu tiên phải làm sau đây:
Thứ nhất là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đặc biệt là bãi bỏ các rào cản, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, không rõ ràng, không cụ thể, như đã làm trong những năm qua.
Thứ hai là phải tập trung hoàn thiện thể chế để phát triển mạnh mẽ các thị trường nhân tố sản xuất như là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ... để cho các thị trường này trở thành nhân tố chủ yếu thay thế và loại bỏ cơ chế hành chính xin cho trong phân bố nguồn lực; áp dụng đầy đủ nguyên tắc thị trường trong phân bổ nguồn lực do nhà nước quản lý.
Thứ ba là phải thu hẹp bộ máy, vai trò của nhà nước. Nhà nước chỉ tập trung vào xây dựng phát triển và hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao hiệu lực thực thi luật pháp; khắc phục những khiếm khuyết của thị trường; thay đổi cơ bản phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm, hành chính xin cho sang hậu kiểm và kiến tạo phát triển.
Vậy trong năm nay, động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam là gì?
Năm nay có thể không có những cú huých lớn về gia tăng sản lượng như trường hợp Formosa, Samsung... của các năm trước. Nhưng nhìn về xu hướng, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, kinh tế tư nhân được ưu tiên phát triển nhiều hơn... Tất cả những nhân tố đấy đảm bảo cho việc tăng trưởng 2019 vẫn có thể đạt được kế hoạch đã định.