Nhiều khả năng mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 tiếp tục lỡ hẹn khi đến thời điểm hiện tại số doanh nghiệp đang hoạt động chưa được 1 triệu doanh nghiệp- mục tiêu đặt ra cho năm 2020. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Cung - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM), một chuyên gia về Luật Doanh nghiệp.
* Thưa ông, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 liệu có đạt được?
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Đến thời điểm năm 2024 hiện nay, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động cũng chưa đạt 1 triệu doanh nghiệp. Tức là mục tiêu số doanh nghiệp của năm 2020 đến 5 năm sau cũng không đạt được. Và với thực trạng này, chắc chắn đến 2030 không thể có 2 triệu doanh nghiệp được.
Không chỉ đưa ra các con số cụ thể, Nghị quyết 10-NQ/TW đã đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa…
Tiếp đó, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thay thế cho Nghị quyết số 09-NQ/TW đã ban hành từ năm 2011.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp tại Hội nghị thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, ngày 21/9/2024 tại Hà Nội
Với nhiều điểm mới, Nghị quyết số 41-NQ/TW được cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân hồ hởi đón nhận như một món quà đặc biệt nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm 2023.
Nghị quyết số 41-NQ/TW đã nhấn mạnh quan điểm “đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW có những quan điểm và giải pháp mới rất quan trọng như cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến; bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế....
Triển khai của Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết. Tại Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 31/03/2023 ban hành chương trình hành động của Chính phủ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, Chính phủ đã khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế….”.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66/NQ-CP, ngày 9/5/2024, về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW. Nghị quyết 66/NQ-CP đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp như: Đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; đến năm 2045 hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế…
Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Vậy là Đảng đã có đường lối, chủ trương, Chính phủ đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động. Vậy tại sao chúng ta không đạt được? Theo tôi, cần có có sự nghiên cứu, mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân…
* Vâng thưa ông, mặc dù số lượng doanh nghiệp có thể chưa đạt được nhưng chúng ta đã có những doanh nghiệp tư nhân lớn được nhắc đến như: Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Chúng ta có bao nhiêu doanh nghiệp được như thế? Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mới khỏe, mọi người đều thừa nhận doanh nghiệp là quan trọng không thể thiếu đối với sự tăng trưởng quốc gia…
Quan trọng nhưng phải phát triển. Đội ngũ này phải phát triển, phát triển liên tục, cả về lượng, cả về chất. Mà có lượng mới có chất. Chúng ta không thể tự nhiên có 100 tỷ phú khi số lượng doanh nghiệp chỉ vài trăm ngàn doanh nghiệp. Tức là phải có một tỷ lệ tương ứng.
Khi chúng ta phát triển một lực lượng doanh nghiệp đông đảo thì mới tạo ra một hệ sinh thái, lúc đó mới có Top đầu doanh nghiệp về nghiên cứu, làm chủ công nghệ…
Nguyễn Đình Cung – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM)
Mục tiêu của chúng ta là 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030 có khả năng không đạt được. Không có lượng thì không có chất. Phải có đủ lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mới có doanh nghiệp lớn. Thậm chí, theo tôi, 1,5 triệu hay 2 triệu doanh nghiệp vẫn là ít, chưa kể việc phân bố doanh nghiệp như thế nào?
Ví dụ chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp phân bổ 20% vào công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là có 200 nghìn doanh nghiệp. Nhưng có 2 triệu doanh nghiệp thì con số này là 400 nghìn doanh nghiệp… Và số lượng doanh nghiệp phải đủ lớn thì ngành công nghiệp mới phát triển. Tức là phát triển doanh nghiệp gắn các ngành nghề, gắn với sự phát triển cân bằng của các vùng.
Hiện nay chưa đầy 1 triệu doanh nghiệp, nhưng khoảng 70 % tập trung ở Đồng bằng Bắc bộ và Đông Nam bộ. Số doanh nghiệp tại các địa phương ở vùng khác là rất ít, thậm chí không đáng kể, có những tỉnh trung bình 1.000 dân mới có 0,5- 1 doanh nghiệp… Nếu không có doanh nghiệp thì kinh tế làm sao phát triển được, làm sao tạo công ăn việc làm cho người lao động?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế.
* Vậy thì theo ông, cần làm gì để có thể tăng được số lượng doanh nghiệp?
Các giải pháp Chính phủ đã đề ra hết trong các Nghị quyết, phân công phân nhiệm rõ ràng. Nhưng như tôi đã nói ở trên, vì sao không đạt được, khó khăn ở đâu…? Những thứ như thế đáng lẽ phải được đặt lên bàn, tại sao lại không đạt được, trách nhiệm của ai…?
Trong khi đó tốc độ thành lập doanh nghiệp đang giảm, tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng. Và như vậy, mục tiêu số lượng doanh nghiệp mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra càng xa vời.
Muốn doanh nghiệp thành lập phải tạo sinh khí, một sự hào hứng. Người ta thấy thành lập doanh nghiệp là một cơ hội phát triển, cơ hội đóng góp, cơ hội làm ăn chứ không phải thành lập doanh nghiệp là nhận lấy rủi ro, tất nhiên rủi ro thương trường không nói…
Điều mà người kinh doanh cần là nhà nước phải khích lệ họ, đào tạo họ, đồng hành với họ… Nhưng thực tế thì vẫn có sự không công bằng…
Doanh nghiệp dù lớn cùng rất cần hậu thuẫn của nhà nước để có thể phát triển thành một ngành công nghiệp, dẫn đầu chuỗi giá trị của Việt Nam.
Câu chuyện thuế là một ví dụ. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì không được hoặc chậm được hoàn thuế VAT, nhưng khi doanh nghiệp nợ thuế, có nhiều nguyên nhân trong thời buổi hiện nay (lo công ăn việc làm, trả lương, lo nợ ngân hàng, nợ thuế…) thì bị hạn chế xuất cảnh. Họ cần phải làm ăn, giao thương thì hạn chế đi lại. Cơ quan thuế nói rằng Luật quy định, nhưng Luật nào? Luật chỉ nói tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp bị cưỡng chế thuế, có nghĩa phải có quyết định cưỡng chế, khi người ta không chấp hành mới hạn chế xuất cảnh chứ, nhưng đằng này nhiều trường hợp họ không biết mình đang nợ thuế, mà nợ thuế cũng như nợ lương, nợ ngân hàng…
Nói như vậy để biết rằng, môi trường kinh doanh dù nói tốt nhưng người ta cảm nhận được không có công bằng, không được khích lệ, không được đồng hành…, thì ai dám dấn thân làm doanh nghiệp?
Tôi được biết có những chủ doanh nghiệp F1 (sau Đổi mới), họ có cuộc sống rất tốt, kể cả ra nước ngoài sinh sống, nhưng họ vẫn cố duy trì doanh nghiệp để có công ăn việc làm cho người lao động, nhưng rất khó khăn trong chuyển giao thế hệ bởi vì nhìn vào thực tế hoạt động doanh nghiệp hiện nay, những người con không muốn nhận chuyển giao…
Vậy nên bây giờ cần phải hành động, khích lệ người dân bỏ vốn đầu tư, kinh doanh; khích lệ doanh nghiệp đang hoạt động chấp nhận rủi ro thương trường lớn hơn, không chỉ trong nước và quốc tế; khích lệ doanh nghiệp lớn đầu tư nhiều hơn, không phải vì doanh thu mà là công nghệ, mô hình kinh doanh mới, để dẫn đầu chuỗi giá trị của Việt Nam, không những trong nước mà quốc tế.
Muốn như vậy, nhà nước cần phải đứng sau hẫu thuẫn. Ngay như cả Vingroup, tự Vingroup không xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô mà rất cần hậu thuẫn từ nhà nước. Không nên để Vingroup cô đơn làm xe điện, nhà nước phải đứng sau, cần gì hỗ trợ ngay để cùng thắng. Và như vậy, 1 Vingroup thành công thì Việt Nam sẽ có 2 Vingroup, 3 Vingroup..
* Xin trân trọng cảm ơn ông!