...

TS Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam 2019 pha trộn màu xám và hồng

30 Tháng 10, 2019

Theo TS Võ Trí Thành, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), kinh tế Việt Nam năm 2019 có cả màu xám và hồng. Nếu cân bằng các gam màu sáng - tối này, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% trong năm nay là vừa phải, đủ cẩn trọng.

- Năm 2019, theo ông, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào?

- Năm 2019, bức tranh kinh tế Việt Nam pha trộn giữa màu xám và hồng.

Lý do là kinh tế Việt Nam rất mở. Điều này đặt ra vấn đề rất liên quan lớn đến quan hệ với nước ngoài. Thời gian này, các dự báo về kinh tế thế giới trong 2 năm tiếp theo đều thấp hơn mức đưa ra hồi tháng 6/2018 từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm. Kinh tế thế giới đang chững lại. Tăng trưởng của hai đối tác lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đều đang giảm tốc.

Giá cả, đặc biệt là giá dầu, rất khó dự báo. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất định, không ai dám nói chắc sẽ diễn biến tới đâu. Đó là vùng xám đầu tiên.

TS Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam 2019 pha trộn màu xám và hồng - Ảnh 1.

TS Võ Trí Thành. Ảnh: Vietnam Finance.

Vùng xám thứ hai, theo tôi đó là câu chuyện đằng sau tăng trưởng của Việt Nam, cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp như thế nào.

-Còn màu hồng thì sao, thưa ông?

- Màu hồng thứ nhất đó là người dân Việt Nam rất lạc quan. Trong suốt mười mấy năm, trải qua các cuộc khủng hoảng, tiêu dùng vẫn tốt. Bán lẻ tăng 9% năm 2018. Du lịch năm 2017 là 13 triệu khách nước ngoài, năm 2018 là 15 triệu, nhưng thực tế khách du lịch trong nước con cao hơn rất nhiều, từ 65 đến 70 triệu khách trong nước đi du lịch.

Thứ hai, 2 hiệp định thương mại tự do là CPTPP được đưa vào thực thi từ 14/1 và EVFTA đang được đẩy nhanh năm 2019 giúp Việt Nam tiếp cận, đa dạng hoá thị trường, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Thứ ba, Chính phủ đang nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Thứ tư, Việt Nam có những cơ hội từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Về lâu dài, theo đánh giá của World Bank, cuộc chiến có thể có tác hại nhưng trước mắt Việt Nam vẫn có cơ hội.

Các nước xung quanh cũng đang chuyển hướng chiến lược. Ví dụ như chiến lược hướng Nam của Hàn Quốc lấy 2 nơi quan tâm nhất là Ấn Độ và ASEAN mà trọng tâm là Việt Nam, Indonesia. Những chiến lược này đang diễn ra và Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được.

Như vậy, nếu cân bằng các gam màu sáng - tối cho phát triển kinh tế, mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% được Quốc hội đặt ra trong năm 2019 là vừa phải, đủ cẩn trọng trong bối cảnh hiện nay.

Trong một bức tranh kinh tế thế giới đa sắc màu luôn tiềm ẩn những cơ hội cho Việt Nam phát triển nếu biết nhìn đúng thời cơ và nắm bắt kịp thời. Phải chuẩn bị các kịch bản xấu để sẵn sàng đối phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực và kể cả kịch bản để tận dụng cơ hội.

- Vậy những kịch bản cho năm nay là gì?

- Năm 2019, tinh thần chung là chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo ổn định, hạn chế rủi ro, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Việt Nam phải chuẩn bị nhiều kịch bản, trong đó lưu ý 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, triển vọng kinh tế tốt hơn. Ví dụ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đi đến hồi cân bằng, những cái rủi ro bất định liên quan đến giá cả bớt đi. Trong trường hợp này phải có kịch bản vĩ mô thích hợp.

Còn nếu trong trường hợp tăng trưởng thương mại suy giảm mạnh, chính sách tiền tệ phải chuyển từ chặt chẽ quá cẩn trọng sang hướng linh hoạt hơn.

Với xu thế hội nhập quốc tế chủ đạo như hiện nay, để ổn định và tăng trưởng phải cân bằng cả trong và ngoài nước.

- Nói về thúc đẩy phát triển trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển các doanh nghiệp "sếu lớn" dẫn dắt. Quan điểm của ông như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp này?

- Cách thức sản xuất kinh doanh hiện nay chủ yếu là theo chuỗi. Nhìn vào chuỗi giá trị hiện nay, dù là một hay nhiều chuỗi đều do các tập đoàn lớn chi phối. Như vậy, các doanh nghiệp lớn có vai trò tác động lan tỏa tích cực.

Đối với Việt Nam, chủ trương là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta cũng mong muốn các doanh nghiệp nâng tầm, có vị thế cạnh tranh, uy tín, có thương hiệu quốc gia dẫn dắt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn cũng hàm chứa những rủi ro. Rủi ro khi tạo ra thế độc quyền. Khi đó, sáng tạo sẽ mất nếu thị trường không có cạnh tranh.

Các doanh nghiệp này có thể là "too big too fail" - quá lớn để phá sản. Họ có thể làm ăn sai trái nhưng lại quá lớn để bị xử lý.

Một rủi ro khác là chúng ta sẽ phụ thuộc vào họ quá lớn. Các doanh nghiệp này dịch chuyển nguồn lực sẽ tạo ra sự hẫng hụt lớn và cú shock. Chưa kể rủi ro về phía mặt hàng của các công ty lớn nếu chúng có tính chu kỳ. Ví dụ như tăng trưởng kinh tế theo quý của Việt Nam phụ thuộc vào chu kỳ và xuất nhập khẩu của Samsung.

- Nhân câu chuyện của nhà máy lớn như Samsung, có ý nhiều quan ngại các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có thể chuyển sang Bắc Triều Tiên. Điều này có thực sự đáng lo trong bối cảnh hiện tại?

- Như tôi đã trả lời một nhà báo Hàn Quốc câu hỏi tương tự. Phát triển và hội nhập là cuộc chơi, cái bánh lan ra, mọi người đều có thể ăn. Bắc Triều Tiên có thể cạnh tranh nhưng Việt Nam không lo lắng. Cái bánh có thể to ra, đâu phải cứ mãi thế, người này ăn thì người khác mất.

Đây là một câu chuyện rất quan trọng trong tư duy về hội nhập, về kẻ thắng người thua. Một câu chuyện không phải chỉ chính sách thương mại giải quyết được.

Và hiện nay, Việt Nam vẫn là một đất nước cải cách và đổi mới, tiếp tục là một đất nước đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta chỉ thay đổi thu hút đầu tư FDI từ số lượng sang chất lượng, sang trách nhiệm xã hội.

Câu chuyện cạnh tranh này không mới. Ấn Độ không mới. Indonesia cũng nằm trong chiến lược hướng nam của Hàn Quốc mà Việt Nam phải cạnh tranh. Áp lực cho Việt Nam đã thấy. Tuy nhiên, áp lực là tốt. Việt Nam không có áp lực, không nước đến chân sẽ không nhảy.

Thực tế, Việt Nam vẫn có một vị trí địa chính trị quan trọng cả về lợi ích kinh tế và quan hệ chiến lược với các nước lớn.

- Thời gian qua, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được nhắc đến như một điểm tựa, cơ hội để Việt Nam lần đầu tiên tham gia, góc nhìn của ông về cơ hội của chúng ta?

- Cuộc cách mạng 4.0 đầu tiên không phải công nghệ mà là thể chế và chính sách. Cái hay của cuộc cách mạng 4.0 cho người Việt là không biết rất nhiều điều mà thế giới cũng không biết. Trước kia, Việt Nam thua vì không biết những thứ thế giới biết, hoặc biết ít thứ thế giới biết nhiều. Cuộc cách mạng 4.0 phải cho phép sai lầm, song ở Việt Nam hiện nay liệu có dám sai lầm không cũng là điều đáng bàn.

- Cám ơn ông!

Theo Nam Anh Kênh thông tin Kinh tế - Tài chính Việt Nam đăng ngày 11/02/2019

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI