Hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ cấp bách theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Tuy vậy, theo TS. Võ Trí Thành, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), mặc dù có rất nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhưng các ngành công nghiệp chủ lực của nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng của đất nước.
Thiếu quy định pháp lý khiến thực hiện bị phân tán, chưa hiệu quả
Các ngành công nghiệp trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, ở vị trí trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
"Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy, mặc dù có rất nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhưng cho đến nay, việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của nước ta vẫn chưa tương xứng với lợi thế", ông Thành nhấn mạnh.
Minh chứng, hiện các mặt hàng điện tử chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Nhưng rõ ràng, tỷ trọng chủ yếu đến từ doanh nghiệp FDI (chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện). Các doanh nghiệp Việt tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị cao còn rất ít. Điều đó thể hiện sự yếu ớt của khu vực doanh nghiệp nội.
Một trong những nguyên nhân được Bộ Công thương đưa ra là do bất cập từ hệ thống pháp lý, quy định pháp luật. Đến nay, nước ta vẫn chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển nhóm ngành này.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này. Hiện danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm có hiệu lực pháp lý thấp, lạc hậu so với thực tế. Chính vì thiếu các quy định này nên việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và địa phương phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, pháp luật hiện hành về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Thêm vào đó, các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; Cộng thêm việc cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp, nhất là các công nghệ then chốt trong các ngành công nghiệp trọng điểm còn thiếu tính bền vững, dài hạn không phù hợp với đặc thù của các hoạt động sản xuất công nghiệp...Tất cả các yếu tố bất cập đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm.
Chính sách chưa đủ lực để công nghiệp hỗ trợ phát triển
Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Theo Quyết định, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, bao gồm các hoạt động: Khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Riêng đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng ngành này còn manh mún và tồn tại nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ gia công sản phẩm ở các công đoạn có chất lượng, giá thành thấp, ít hàm lượng công nghệ cao; chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các doanh nghiệp quốc tế.
Về vấn đề này, theo Bộ Công thương, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đa số chính sách được ban hành rất chậm. Thêm vào đó, các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa…
Đặc biệt, môi trường kinh doanh mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm vốn yêu cầu các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp trọng điểm còn yếu, quy mô nhỏ, tài chính mỏng nên không có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...
Bên cạnh bệ đỡ chính sách, rất cần sự nỗ lực của doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy phát triển công nghiệp trọng điểm, theo ông Hà Minh Hùng, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, nước ta cần xác định những doanh nghiệp, công nghệ tiềm năng để có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Thông qua đó, hình thành các doanh nghiệp đầu tàu để liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp bền vững.
"Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách, cơ chế hỗ trợ mang tính đột phá để làm đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Bộ Công thương đang đề xuất 2 chính sách xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Chính sách một là khuyến khích sản xuất, chế tạo trong nước các sản phẩm công nghiệp trọng điểm với mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; Nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp. Khắc phục từng bước tình trạng sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh; Thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp thông qua các chính sách phát triển doanh nghiệp dẫn đầu.
Bản thân doanh nghiệp Việt phải tự xây dựng, phát triển công nghệ lõi, tiên tiến, độc quyền của riêng mình
Theo Bộ Công thương, chính sách thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết công nghiệp với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn và kết nối giữa doanh nghiệp dẫn dắt cụm với các doanh nghiệp vệ tinh để hình thành chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về thị trường, vốn, nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất… cho doanh nghiệp.
Chính sách hai là phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp. Khắc phục từng bước tình trạng sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh.
Chính sách sẽ thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết công nghiệp với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn và kết nối giữa doanh nghiệp dẫn dắt cụm với các doanh nghiệp vệ tinh để hình thành chuỗi giá trị. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về thị trường, vốn, nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất… cho doanh nghiệp.
Những chính sách này sẽ là nền tảng để công nghiệp trọng điểm phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, bản thân doanh nghiệp Việt phải tự xây dựng, phát triển công nghệ lõi, tiên tiến, độc quyền của riêng mình. Song song với đó, doanh nghiệp phải thay đổi về mặt tư duy, nghiên cứu kỹ lưỡng các nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn có hướng đi phù hợp./.