Có thể thấy, cho đến hết năm 2018 và chuyển sang 2019, kinh tế Việt Nam giữa một thế giới bất ổn và xu thế đi xuống thì rất lạ lùng là vẫn tăng trưởng tốt và ổn định rất cao.
Chia sẻ tại hội thảo Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019 do Cafeland tổ chức sáng nay (15/5), PGS. TS Trần Đình Thiên, Trọng tài viên VIAC, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay có rất nhiều biến động và khá đặc biệt.
Năm 2018, một năm tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cao nhất Đông Nam Á. Tình hình ổn định kinh tế, vĩ mô khá tốt. Những khởi động có tính chất báo động về thị trường bất động sản được giải quyết khá ổn thỏa, mặc dù có chững lại.
PGS.TS.Trần Đình Thiên cho biết, trong năm qua, có hai tin đặc biệt. FDI năm 2018 tăng cao, năm trước nữa cũng tăng cao. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây chúng ta ghi nhận điều đáng lưu tâm cho các nhà đầu tư Việt Nam là FDI tăng lên và lượng khách du lịch tăng 20 – 25% nên hai yếu tố này có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Khái quát lại tình hình kinh tế vĩ mô thời gian qua có thể thấy, cho đến hết năm 2018 và chuyển sang 2019, kinh tế Việt Nam giữa một thế giới bất ổn và xu thế đi xuống thì rất lạ lùng là vẫn tăng trưởng tốt và ổn định rất cao.
“Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến chi tiết này. Vì Việt Nam dường như không giống ai. Khi thế giới bất ổn xu thế tăng trưởng giảm thì Việt Nam có xu hướng ngược lại. Ở đây nó không có gì khác thường nhưng dường như có một đoạn lệch nhịp kinh tế của Việt Nam so với thế giới và cách điều hành vĩ mô không trùng với xu hướng toàn cầu”, PGS.TS.Trần Đình Thiên nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, ngay cả dự báo của thế giới 2 năm tới đây, theo dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới có thể giảm xuống và bất ổn vĩ mô có thể tăng lên.
Tuy nhiên, dự báo về Việt Nam cho thấy, tăng trưởng có thể giảm xuống nhưng vẫn là thành tích đáng nể so với các nền kinh tế khác trên thế giới. Việt Nam vẫn có khả năng kiềm chế yếu tố bất ổn để ổn định vĩ mô.Vì thế, sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam đang rất nổi bật. 2 năm gần đây FDI vào Việt Nam tăng vọt, trong đó có dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh.
“Tuy nhiên, cải cách tiến lên còn chậm, doanh nghiệp còn yếu và tiềm chứa yếu tố gây bất ổn vĩ mô. Đặc biệt, yếu tố từ bên ngoài như giá dầu thế giới, tỷ giá hối đoái, nợ. Hơn nữa, mặc dù kinh tế tốt lên nhưng lòng tin xã hội vẫn đang có vấn đề. Đây là điểm cần phải rất đáng lưu ý”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo nhận định của ông Trần Đình Thiên, năm 2019 tăng trưởng kinh tế vẫn tốt, kiểm soát vĩ mô nếu không có gì bất thường thì Việt Nam vẫn kiểm soát tốt về lạm phát.
Đối với thị trường bất động sản năm 2019, ông Thiên dự báo, năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản du lịch.
Thi trường bất động sản Việt Nam tại các đô thị lớn và các thị trường nghỉ dưỡng sẽ trở thành nơi được nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, thời gian gần đây khi các nhà đầu tư Nhật đang chuyển từ công nghiệp sang mạnh hơn ở bất động sản du lịch.
Do đó, tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. “Chúng ta có cơ sở để lạc quan nhưng cần phải thận trọng”, ông Thiên phát biểu.