...

Vẫn khó thu thuế bán hàng hóa, dịch vụ qua Internet

29 Tháng 10, 2019
 

Khó cho ngân hàng

Lâu nay ông Lê Viết Thanh, Tổng giám đốc K&K, vẫn chọn hai kênh chính là Google và Facebook để tiếp thị sản phẩm. Ông sẽ làm việc với các agency (công ty dịch vụ), là đối tác của Google, Facebook ở Việt Nam để được tối ưu kết quả và quan trọng không kém là được khấu trừ thuế và xuất hóa đơn để đưa vào chi phí hoạt động doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lâu lâu, cần quảng cáo ngay, ông phải làm trực tiếp với Facebook. Chi phí “chạy ad” như vậy thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng và tất nhiên, những khoản chi kiểu này, dù chỉ khoảng 10% tổng ngân sách tiếp thị hàng năm, không được khấu trừ, cũng chẳng bao giờ có hóa đơn để đưa vào chi phí.

“Doanh nghiệp như tôi, các khoản dạng này không lớn nhưng với cá nhân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ, con số là rất lớn vì toàn bộ là làm trực tiếp, cà thẻ”, ông Thanh nói thêm.

Vì vậy, khi nghe về quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam (khoản 3, điều 27, Luật Quản lý thuế năm 2019 vừa được thông qua), ông Thanh lo lắng rằng các ngân hàng sẽ “thêm rắc rối”, thêm việc và cũng khó thực hiện.

Bởi lẽ, với những khoản thanh toán bằng thẻ quốc tế, làm sao ngân hàng có thể phân biệt đâu là khoản chi cho Facebook, đâu là khoản chi tiêu cho mặt hàng, dịch vụ khác. Còn với những khoản chi phí qua agency, nếu có thay đổi nào đó về thuế phí thì có thể giá dịch vụ sẽ tăng lên.

Tiến sĩ Châu Huy Quang, Luật sư điều hành R&T LCT Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), thì bình luận theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua phương thức cung cấp dịch vụ qua biên giới cũng có trách nhiệm phải nộp thuế nhà thầu (gồm các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng...) trong một số trường hợp luật định.

Theo đó, điều 8, Thông tư 103/2014/TT-BTC về thuế nhà thầu đã xác định trách nhiệm của bên Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong giao dịch cụ thể giữa các bên sẽ phải khấu trừ, nộp thay thuế cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân đó không đáp ứng đủ các điều kiện để tự kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.

Như vậy, yêu cầu ngân hàng thương mại tại Việt Nam phải “khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam” trong mọi trường hợp sẽ xung đột với quy định hiện tại. Ngân hàng thương mại không phải là chủ thể giao dịch với tổ chức, cá nhân nước ngoài, và không phải là bên đối tác Việt Nam của các tổ chức, cá nhân này.

Với tư cách chỉ là bên trung gian thanh toán (thu, chi hộ), các ngân hàng thương mại do vậy sẽ gặp khó trong việc thực thi kê khai, nộp thuế do không có được các tài liệu giao dịch thỏa thuận cụ thể giữa các bên để xác định chính xác số thuế phải nộp.

“Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, việc thanh toán giao dịch quốc tế ngày nay không nhất thiết phải thực hiện thông qua phương thức chuyển khoản ngân hàng. Và khi đó, quy định trên càng khó thực thi”, ông Quang nói.

Và quy định này có thể gây thêm nhiều áp lực cho tổ chức tín dụng, ngân hàng nếu xét đến số lượng giao dịch được thanh toán mỗi tháng. Các ngân hàng sẽ không đủ năng lực để xử lý. Ngược lại, các khách hàng sẽ phải chịu thêm chi phí nếu ngân hàng phải gánh thêm trách nhiệm kê khai, nộp thuế. Sâu xa hơn, điều này có thể dẫn tới việc hạn chế giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng, đến mục tiêu thanh toán không bằng tiền mặt.

Công bằng cho tất cả người bán hàng qua mạng xã hội

Song song với việc thu thuế của các tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, Luật Quản lý thuế cũng xác lập một số cơ sở pháp lý để thu thuế với cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng xã hội. Thứ nhất, đó là trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản.

Thứ hai, người bán hàng phải xuất hóa đơn cho người mua hàng ở mọi giá trị hàng hóa (trước đây là 200.000 đồng trở lên) và doanh thu sẽ được ghi nhận đầy đủ khi hóa đơn điện tử được áp dụng bắt buộc cho tất cả các doanh nghiệp vào năm 2021. Trong khi đó, hộ kinh doanh thì thực hiện kết nối máy tính với cơ quan thuế.

Thứ ba, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế với nhiều trường hợp như người nộp thuế không đăng ký thuế, không khai thuế; không phản ánh đầy đủ số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế...

Anh Mạnh, người chuyên nhận đặt hàng thực phẩm đóng gói từ nước ngoài và bán cho khách hàng qua tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, điều anh quan tâm nhất là làm thế nào cơ quan thuế đảm bảo sòng phẳng, công bằng giữa những người bán hàng. Bởi lẽ, trên thị trường hiện nay có rất nhiều người bán khác nhau.

Sẽ có những người chuyên lấy hàng từ nước ngoài về và tất nhiên có liên quan đến nhập khẩu (nếu làm đàng hoàng), có hóa đơn mua hàng, có thanh toán qua thẻ... và có những người chỉ bán hàng tự làm, giao dịch bằng tiền mặt và cũng chẳng đăng ký kinh doanh, thuế khoán... “Một khi đã nhăm nhe quản lý thì phải đảm bảo công bằng giữa tất cả vì luật là không loại trừ. Nhưng xem ra, cơ quan thuế sẽ khó lòng làm được điều đó”, anh Mạnh nhận xét.

Chị Tuyến, nhân viên ngân hàng có nghề tay trái là nhận đặt quần áo, giày dép, đồ gia dụng từ Nhật, Úc, Trung Quốc cho khách theo các đợt giảm giá thì cho biết, chị chưa cảm thấy lo lắng vì “mình làm nho nhỏ”, chẳng thấm tháp gì so với mấy chị bán hàng khác đang làm bên cơ quan thuế. Mấy cá nhân này, theo chị Tuyến, chắc chắn “sẽ có cách” nào đó.

Ông Quang nhìn nhận, so với trước đây, các quy định mang tính nguyên tắc kể trên trong Luật Quản lý thuế có tính khả thi, có thể cải thiện được tình trạng thu thuế hiện nay đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội. Bởi lẽ, cơ quan quản lý đã quy định được vai trò, trách nhiệm phối hợp của ngân hàng, nơi lưu giữ dữ liệu và có tham gia trực tiếp vào khâu thanh toán giữa các bên.

Tuy nhiên, về phía lập pháp, cần rà soát, xem xét sửa đổi các quy định liên quan cho thống nhất, như các quy định pháp luật ngân hàng liên quan đến các loại thông tin bắt buộc về chủ tài khoản phải cung cấp và đăng ký với ngân hàng ngay khi mở tài khoản, quy định về việc ngân hàng được phép chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân của chủ tài khoản cho cơ quan thuế...

Đồng thời, cũng cần bổ sung quy định về quyền cũng như nghĩa vụ cung cấp cấp thông tin người dùng (users) của các đơn vị chủ quản mạng xã hội để các đơn vị này có căn cứ pháp lý khi phối hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu nếu được cơ quan thuế yêu cầu.

Theo Tâm An/ The Saigon Times/ 11-07-2019.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI