...

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán

30 Tháng 10, 2019

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm  trên thị trường chứng khoán

Các vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có những diễn biến phức tạp, nhưng chế tài xử lý các hành vi này chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần có những giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng này, nhất là trong bối cảnh Luật Chứng khoán đang được sửa đổi, bổ sung nhằm củng cố và gia tăng tính minh bạch, công bằng trên thị trường chứng khoán. Những yếu tố này được xem là nền tảng đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững.

Vi phạm trên thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp

Các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, một phần có nguyên nhân từ thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) còn hạn chế theo thông lệ quốc tế... Trong số các hành vi vi phạm trên TTCK, hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch có dấu hiệu nội gián khi không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch… là những hành vi vi phạm diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Đối với hành vi vi phạm về thao túng giá chứng khoán, mặc dù, từ đầu năm 2018 đến nay, UBCKNN đã xử phạt nhiều trường hợp, nhưng tính chất và mức độ các vi phạm vẫn chưa có chiều hướng giảm. Gần đây, UBCKNN đã xử phạt một số trường hợp, cụ thể: Ngày 6/11/2018, căn cứ kết quả kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của cơ quan Công an, UBCKNN đã phạt gần 700 triệu đồng đối với ông Bùi Ngọc Bút (số 12, ngõ 68 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Ông Bùi Ngọc Bút đã sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả, thao túng cổ phiếu IBC. Đáng chú ý, ngoài mức phạt chính 550 triệu đồng, UBCKNN còn buộc ông Bút nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 150 triệu đồng…

Trước đó, tháng 11/2018, UBCKNN đã xử lý vi phạm đối với ông Vũ Huy Sơn (308 lô D, Chung cư 79D, Phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 550 triệu đồng, vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu KVC của Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ông Vũ Huy Sơn đã sử dụng 31 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu KVC.

Ngoài thao túng giá chứng khoán, một hành vi vi phạm phổ biến khác gây quan ngại trên thị trường là Ban lãnh đạo doanh nghiệp (DN), cũng như người có liên quan của họ tận dụng lợi thế nắm bắt thông tin sớm từ DN để giao dịch chứng khoán, nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định…

Cũng liên quan đến KVC, từ đầu năm đến nay, nhiều lãnh đạo của KVC liên tiếp bị UBCKNN xử phạt vì vi phạm. Tháng 6/2018, UBCKNN đã phạt 55 triệu đồng đối với ông Đỗ Hùng - Chủ tịch HĐQT KVC, bà Lê Thị Hồng Hạnh - Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT KVC, vì không báo cáo UBCKNN và HNX về dự kiến giao dịch, về kết quả thực hiện giao dịch quyền mua cổ phiếu KVC trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2016 của KVC…

Gần đây, UBCKNN cũng đã đưa ra nhiều quyết định xử phạt đối với tổ chức và cá nhân. Theo đó, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt 130 triệu đồng đối với DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (British Virgin Islands), vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, ngày 18/5/2018, DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd - Tổ chức có liên quan với ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc của DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd, đồng thời là thành viên HĐQT của YEG đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG, nhưng không báo cáo UBCKNN về dự kiến giao dịch. UBCKNN phạt 65 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT của YEG, vì không báo cáo về dự kiến giao dịch. Cụ thể, ngày 18/5/2018, ông Tống đã nhận chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG, đồng thời cùng ngày, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG nhưng không báo cáo UBCKNN về dự kiến giao dịch…

Một trong những nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm, nhất là các vi phạm có tính chất nghiêm trọng như tháo túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián tiếp tục diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia pháp lý, ngoài nguyên nhân là UBCKNN có thẩm quyền hạn chế, thì chế tài xử phạt chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại và đặc thù của lĩnh vực chứng khoán, nên chưa đủ sức răn đe.

Theo Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC, mức phạt 500- 600 triệu đồng/lần vi phạm đối với các đối tượng có hành vi thao túng giá chứng khoán là rất nhẹ so với mức độ các vi phạm trong bối cảnh hiện nay. Mức phạt này chỉ phù hợp với cách đây 10 năm, còn bây giờ thì không. Để tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, cơ quan quản lý không chỉ tăng mức phạt tiền, mà điều quan trọng là cần áp dụng thêm các chế tài xử phạt khác theo thông lệ quốc tế…

Đề xuất một số giải pháp

Để đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm trên TTCK, qua đó đưa thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường phòng ngừa.

Để đạt mục tiêu phòng ngừa vi phạm, theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), điều quan trọng là phải có hệ thống quy định pháp lý đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng minh bạch thông tin của các DN, cũng như các bên tham gia TTCK. Đây là một quá trình và phải được cụ thể hóa bằng các quy định, nhằm nâng cao chất lượng minh bạch thông tin về: Báo cáo tài chính, bản cáo bạch khi chào bán chứng khoán...  Để phòng ngừa các hành vi vi phạm về giao dịch nội gián, từ thực tế vi phạm thời gian qua cho thấy, việc minh bạch mối quan hệ giữa ban lãnh đạo DN với những người có liên quan là rất quan trọng.

Từ thực tế trên, cần tăng cường giám sát từ cả phía cơ quan quản lý, tổ chức và vận hành thị trường lẫn các thành viên thị trường có liên quan. Để nâng cao hiệu quả của lớp giám sát là công ty chứng khoán, cần quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của khối công ty này; đồng thời, hoàn thiện lớp giám sát là các sở giao dịch chứng khoán. Theo đó, cần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin trong giám sát hoạt động thao túng liên thị trường của các khu vực thị trường giữa HNX và HOSE...

Thứ hai, tăng cường chế tài xử phạt.

Cùng với tăng cường các giải pháp phòng ngừa vi phạm, việc tăng cường các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ngăn ngặn các hành vi vi phạm, qua đó, đảm bảo cho TTCK phát triển lành mạnh, công bằng. Yêu cầu này đã được Bộ Tài chính đề xuất tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Theo đó, Dự thảo đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, thay vì mức phạt lần lượt theo quy định hiện hành là 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tăng mức phạt tiền là chưa đủ, việc tăng cường các chế tài xử phạt cần được triển khai theo hai hướng là vừa tăng mức phạt tiền, vừa gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe cao, để khắc chế tình trạng cứ nộp tiền phạt là xong, từ đó gia tăng tính răn đe.

Về tăng mức phạt tiền, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Luật Basico cho rằng, việc Ban soạn thảo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất nâng mức phạt tiền tối đa từ 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức, từ 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân là còn thấp. Do đó, nên tính toán nâng lên 10 tỷ đồng, thậm chí khi quy mô TTCK phát triển, tính chất nguy hiểm của các vi phạm gia tăng, để đảm bảo tính răn đe có thể tăng mức phạt lên tới 100 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm, nhất là các vi phạm có tính chất nghiêm trọng như tháo túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián tiếp tục diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia pháp lý, ngoài nguyên nhân là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thẩm quyền hạn chế, thì chế tài xử phạt chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại và đặc thù của lĩnh vực chứng khoán, nên chưa đủ sức răn đe.

Liên quan đến hướng đổi mới tư duy trong thiết kế và áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật sư AIC cho rằng, khung pháp lý Việt Nam chưa áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung ngoài hình thức phạt tiền. Ngay cả hình thức xử phạt bổ sung hiện tại là thu hồi khoản thu lợi bất chính do hành vi vi phạm mà còn, thì vẫn liên quan đến xử phạt về tiền. Do đó, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, cần thể hiện tư duy mới trong thiết kế hệ thống chế tài theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn TTCK Việt Nam. Muốn vậy, tăng cường các hình thức xử phạt bổ sung mà thị trường quốc tế, trong đó, có các thị trường lân cận Việt Nam đã áp dụng hiệu quả, có tác dụng tốt trong xử lý và phòng ngừa vi phạm chẳng hạn như: Treo giao dịch cổ phiếu của các DN công bố thông tin gian dối, ban lãnh đạo công ty giao dịch nội gián; nhà đầu tư thao túng cổ phiếu bị cấm giao dịch trong một thời gian nhất định; rút giấy phép hành nghề của các chức danh nghề nghiệp trên TTCK khi bị kết luận là có hành vi thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, công bố thông tin sai sự thật…

Thứ ba, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính tuân thủ, cưỡng chế thực thi.

Một nội dung mới đáng chú ý tại Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi thu hút sự quan tâm của chuyên gia pháp lý là tăng thẩm quyền cho UBCKNN. Nội dung mới này được đưa ra trong bối cảnh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, trong khi UBCKNN chưa có đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để tổ chức và thực thi tốt các chức năng thanh tra và cưỡng chế thực thi như: Chưa có thẩm quyền trong kiểm soát tài khoản, dòng tiền; yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra… nên kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn...

Chẳng hạn như, tại TTCK Trung Quốc, Luật Chứng khoán quy định, UBCKNN Trung Quốc có thẩm quyền thực hiện các biện pháp: Triệu tập các bên liên quan, các đơn vị và cá nhân liên quan đến sự việc và yêu cầu họ giải trình; xem xét và sao chụp sao kê giao dịch chứng khoán, tài liệu đăng ký và chuyển nhượng, tài liệu tài chính kế toán của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc; thẩm tra tài khoản tiền và chứng khoán, tài khoản ngân hàng của các bên liên quan và của đơn vị, cá nhân liên quan đến sự việc... Hay như Cơ quan thanh tra giám sát TTCK của Nhật Bản có các quyền: thẩm vấn cá nhân liên quan đến vụ việc; yêu cầu cá nhân nộp tài liệu, thông tin, dữ liệu (trên máy tính, điện thoại...) là vật chứng; khám xét địa điểm kinh doanh của đối tượng tình nghi và thu giữ các vật chứng liên quan; yêu cầu các cơ quan công quyền hoặc tổ chức tư nhân phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo về các vấn đề liên quan đến vụ việc...

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xét bối cảnh thực tiễn của TTCK Việt Nam, đồng thời qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Ban soạn thảo dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đề xuất trao thêm thẩm quyền cho UBCKNN gồm: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sau khi được Chủ tịch UBCKNN phê duyệt; yêu cầu DN viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm theo quy định.

Khi những giải pháp trên được luật hóa và tổ chức triển khai nghiêm túc sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét về nâng cao tính hiệu quả đối với ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo Trương Thị Thùy Dương Tạp chí Điện tử Tài chính đăng ngày 08/02/2019

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI