Doanh nghiệp vẫn phải công bố hợp quy sản phẩm dệt may theo Thông tư 21/2017/TT-BCT với nhiều bất hợp lý. Ảnh: Đ.T
Không chỉ là cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp (DN) cho rằng, cần lập mô hình quản lý mới theo hướng không có sự can thiệp về thủ tục của bất kỳ bộ chuyên ngành nào.
Doanh nghiệp dệt may lại… khó
Cho đến thời điểm này, trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công thương vẫn không có phản hồi nào về việc bộ này lẽ ra phải chủ động bãi bỏ Thông tư 21/2017/TT-BCT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đưa ra.
Theo ông Cung, đáng ra, yêu cầu bãi bỏ thông tư này đã được Ban Soạn thảo đề nghị đưa vào Nghị quyết 02/2019/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 vì văn bản này đang tạo nên chi phí không đáng có cho DN. “Bộ Công thương cũng đã thấy sự bất hợp lý trong Thông tư 21/2017/TT-BCT, đã đề nghị với Ban Soạn thảo Nghị quyết 02/2019/NQ-CP là sẽ tự bãi bỏ”, ông Cung cho biết.
Như vậy, cho dù các cơ quan quản lý có tranh luận thế nào về việc này, các doanh nghiệp sẽ vẫn phải thực hiện công bố hợp quy sản phẩm dệt may theo QCVN:01/2017/BCT theo yêu cầu của thông tư trên trước khi đưa sản phẩm dệt may ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
Nên xác định rõ hàng hóa nào cần kiểm tra
Về bản chất, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuất phát từ lý do hàng hóa này có thể gây rủi ro, tác động bất lợi đến các lợi ích công cộng, nên phải kiểm soát chặt trước khi lưu thông trên thị trường. Hiện tại, các bộ chuyên ngành được giao thẩm quyền quyết định mặt hàng nào thuộc diện này.
Tuy nhiên, phải nhắc lại là, lý do để bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT hồi năm 2016 của Bộ Công thương là DN đã phải trả chi phí hàng trăm tỷ đồng cho việc kiểm tra và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài, nhưng chỉ có một tỷ lệ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định trong thời gian thực hiện quy định này.
Nhưng sự xuất hiện của Thông tư 21/2017/TT-BCT với bóng dáng đậm nét của cơ quan quản lý chuyên ngành trong quy trình mà DN dệt may phải tuân thủ để có được dấu CR dán trên sản phẩm trước khi bán ra thị trường đang cho thấy sự lấn cấn, không rõ ràng trong việc xác định có cần đưa hàng hóa này vào danh mục phải kiểm tra chuyên ngành hay không. Đó là chưa kể tình trạng một sản phẩm có hơn một bộ quản lý chuyên ngành, như nồi cơm điện, nồi chiên… thuộc 3 bộ cùng quản lý.
“Có cách quản lý nào khác không” là câu hỏi mà các doanh nghiệp đặt ra khi nhìn lại những khó khăn trong cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua. Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng dành một phần riêng để nêu quan điểm về vấn đề này với nhận định chung là nhiều chuyển động tích cực, nhưng điểm vướng còn lớn.
Đặc biệt, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, thẩm quyền ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn thuộc các bộ và chưa có tiêu chí thống nhất để xác định là lý do nhiều hàng hóa dù không có thuộc tính cần phải kiểm tra chuyên ngành, nhưng vẫn phải chịu quy định này.
“Chúng tôi đang đặt câu hỏi là có cách giải quyết tình trạng trên không? Câu trả lời là có, nếu thiết lập mô hình quản lý mới, theo đó, các bộ chuyên ngành chỉ quy định tiêu chuẩn đối với hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ thuê giám định độc lập để có kết quả giám định cùng lúc tất cả các tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm mình nhập khẩu, xuất trình cũng bộ hồ sơ hải quan”, ông Tuấn cho biết đề xuất mà VCCI đang nghiên cứu. Song mô hình này cũng đang đối mặt với một số vấn đề, như chất lượng của tổ chức chứng nhận sự phù hợp, cơ hội của DN, tổ chức ngoài nhà nước tham gia.
Hiện tổ chức chứng nhận sự phù hợp do các bộ quản lý chuyên ngành ủy quyền hoặc chỉ định. Như Bộ Công thương chỉ định 11 cơ quan thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho 14 đơn vị thực hiện kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu…
“Với những lĩnh vực đã mở cửa cho tư nhân tham gia, có thể có cơ chế để tránh tình trạng độc quyền của tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá không? Có lẽ, ở đây cần sự quyết tâm cả sự hy sinh quyền quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra là loại bỏ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; sửa đổi những quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị thuộc bộ chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra…Giải pháp này là đúng đắn, sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành, nhưng lại không dễ thực hiện.
Trích Báo cáo Dòng chảy pháp luật 2018 của VCCI