Các điều khoản trọng tài khiếm khuyết

10/30/2019

Những khiếm khuyết thường gặp trong một thỏa thuận trọng tài bao gồm lỗi thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng và thiếu tính khả thi. Các lập luận về việc liệu một thỏa thuận trọng tài bao gồm một hoặc nhiều lỗi như trên có thể được nêu ra trong nhiều trường hợp, VD: khi một bên khởi kiện vụ tranh chấp tại tòa án quốc gia và bị đơn muốn yêu cầu đình chỉ quá trình tố tụng này trên cơ sở giữa các bên có tồn tại một thỏa thuận trọng tài. Trong tình huống này, đơn yêu cầu đình chỉ có thể bị phản đối với lập luận thỏa thuận trọng tài đó “không hoạt động hoặc không thể thực hiện được”. Sau đây là phân tích rõ hơn về những khiếm khuyết cần tránh khi các bên thiết lập một điều khoản trọng tài.

a. Thiếu nhất quán

Khi có sự thiếu nhất quán trong một điều khoản trọng tài, thông thường các tòa án quốc gia thường cố gắng giải thích nó sao cho có nghĩa nhằm tôn trọng ý chí của các bên trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Ở Anh, tòa án thường công nhận một điều khoản và loại bỏ những quy định thiếu nhất quán nếu họ thấy rằng “phần điều khoản còn lại” sẽ đảm bảo được ý chí của các bên và “phần điều khoản bị loại bỏ” - nếu như không được lược đi thì sẽ làm thất bại mục tiêu của thỏa thuận giữa các bên.   

b. Thiếu rõ ràng

Tương tự như vậy, khi điều khoản trọng tài có sự thiếu rõ ràng, đa số các tòa án quốc gia sẽ cố gắng công nhận điều khoản trọng tài , trừ khi sự thiếu rõ ràng đó làm cho các điều khoản trọng tài trở nên khó hiểu quá mức. Một số ví dụ về điều khoản vô hiệu do hoàn toàn thiếu rõ ràng như sau:

(i) Nếu có bất cứ tranh chấp nào không giải quyết được, vấn đề sẽ được đưa ra ở Phòng Thương mại Quốc tế.

Mặc dù ví dụ này đã tạo một mối liên hệ đến toà ICC tại Paris, nhưng bản thân điều khoản lại không quy định rõ ràng những tranh chấp không giải quyết được sẽ được giải quyết bằng trọng tài hay hòa giải hay theo các thủ tục khác.

(ii) Tất cả các tranh chấp phát sinh liên quan đến thỏa thuận này sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm tại trọng tài. Trọng tài viên sẽ là một Phòng Thương mại nổi tiếng (như là ICC) được quyết định bởi một thỏa thuận chung giữa các bên.

Điều khoản này không quy định một cách rõ ràng về việc chỉ định một hội đồng trọng tài. Ngay cả khi các bên đồng ý được một “Phòng Thương mại nổi tiếng” làm trọng tài viên thì điều này cũng không khả thi bởi lẽ trọng tài viên phải là các cá nhân.

c. Thiếu tính khả thi

Khái niệm thỏa thuận trọng tài “không thể thực hiện được” liên quan đến khía cạnh thưc tiễn của một quá trình tố tụng trọng tài, chẳng hạn vì một lý do nào đó mà việc thành lập hội đồng trọng tài được coi là bất khả thi. Ví dụ như trong vụ Aminoil v Government of Kuwait (1982), điều khoản trọng tài giữa các bên ban đầu quy định là trọng tài viên thứ ba sẽ được chỉ định bởi “Cư dân Chính trị người Anh tại vùng Vịnh”, một chức danh đã không còn tồn tại vào thời điểm tranh chấp xảy ra. Đây được coi là một điều khoản không thể thực hiện được.

Ở Việt Nam, Luật TTTM 2010 không có quy định rõ về những trường hợp một thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được hay thiếu tính khả thi mà chỉ nhắc tới hậu quả của việc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được tại Điều 6 Luật TTTM 2010 (Tòa án sẽ vẫn thụ lý vụ tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nếu thỏa thuận trọng tại đó bị rơi vào trường hợp không thể thực hiện được). Ngoài ra, việc trong thời gian dài triển khai Luật TTTM 2010 nhưng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về trường hợp “không thể thực hiện được” của một thỏa thuận trọng tài đã tạo cơ hội cho một số tiêu cực phát sinh.

Đơn cử như trường hợp một bên mang tranh chấp (dù trong hợp đồng tranh chấp có thỏa thuận trọng tài) ra Tòa án yêu cầu Tòa án thụ lý với lý do thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Do thiếu các hướng dẫn cụ thể, một số trường hợp Thẩm phán đã hiểu nhầm các khiếm khuyết khác của thỏa thuận trọng tài (chưa chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc chưa chỉ rõ tên tổ chức trọng tài) với việc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được và dựa trên đánh giá đó, thụ lý vụ tranh chấp, loại trừ thẩm quyền của trọng tài, vi phạm nguyên tắc Tòa án từ chối thụ lý khi thấy thỏa thuận trọng tài tại Điều 6 – Luật TTTM 2010.

Nội dung trên được tổng hợp từ Trọng tài Quốc tế (ấn bản lần thứ 6), đoạn 2.197 – 2.203, Nigel Blackaby, Constantine Partasides QC & Alan Redfern, Martin Hunter.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI