Lệnh cấm khởi kiện tại tòa án - Khả năng thực thi tại Indonesia

10/30/2019

(Tiêu đề của bài viết đã được người dịch viết lại từ “Khả năng thực thi của lệnh cấm khởi kiện (Foreign Anti-Suit Injunctions) theo Luật Indonesia)

Tại Indonesia, đã rất nhiều lần xảy ra tình huống quy trình tố tụng tại Tòa án trong nước và tố tụng tại trung tâm trọng tài nước ngoài diễn ra đồng thời đối với cùng một tranh chấp. Trong một vài trường hợp, khi có yêu cầu của Nguyên đơn, Tòa trọng tài nước ngoài đã phải ban hành lệnh cấm khởi kiện đối với Bị đơn, bên đã khởi kiện để bắt đầu tố tụng tại Tòa án nội địa. Trong vụ Astro Nusantara International B.V. et al. (Astro) kiện PT Ayunda Prima Mitra et al. (Ayunda) [2010 và 2012], Tòa án Tối cao Indonesia đã từ chối công nhận và cho thi hành lệnh cấm khởi kiện ban hành bởi một Hội đồng Trọng tài (HĐTT) được thành lập theo quy tắc tố tụng của Tòa Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Bài viết này thảo luận các lập luận của Tòa tối cao để đưa ra quyết định này, và đồng thời cố gắng xác minh liệu có căn cứ thực tế nào cho việc công nhận và cho thi hành một lệnh cấm khởi kiện tại Indonesia hay không.

Hình ảnh có liên quan

Lệnh cấm khởi kiện theo Luật Trọng tài

Indonesia là thành viên của Công ước New York 1958, được phê chuẩn thông qua Quyết định của Tổng thống số 34 năm 1981. Theo sau đó, Tòa Tối cao ban hành Quyết định số 1 năm 1990 về Công nhận phán quyết Trọng tài Quốc tế. Năm 1999, Chính phủ Indonesia ban hành Luật Trọng tài. Nội dung Quyết định của Tòa Tối cao khá tương đồng với các điều khoản của Luật trọng tài về việc thi hành phán quyết của tòa trọng tài nước ngoài.

Dù Luật Trọng tài không đề cập tới các vấn đề liên quan tới việc ban hành lệnh cấm khởi kiện nhằm ngăn chặn các bên phản đối trọng tài có thể bắt đầu hay tiếp tục tố tụng tại Tòa nhưng Luật cũng đã công nhận hiệu lực của một số loại chỉ thị tố tụng nhất định. Điều 32 Luật Trọng tài quy định rằng theo yêu cầu của một bên, HĐTT có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (provisional award/ interlocutory decision) hoặc các quyết định tạm thời khác liên quan tới cách thức tiến hành việc tìm hiểu vụ tranh chấp, bao gồm cả việc ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm đi kèm (security attachment), ký gửi hàng hóa cho bên thứ ba và bán ngay hàng hóa dễ hỏng. Tuy nhiên, cần ghi nhận thực tế rằng chưa có trường hợp nào mà Ban Trọng tài Quốc gia Indonesia (BANI) ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm đi kèm (security attachment order).

Quan điểm của Tòa Tối cao về khả năng thực thi các lệnh cấm khởi kiện

Trong vụ Astro kiện Ayunda, Toà án Tối cao Indonesia đã quyết định giữ nguyên quyết định của Chủ tịch Tòa án Quận trung tâm Jakarta từ chối công nhận và cho thi hành một phán quyết của SIAC trên cơ sở rằng phán quyết đó chứa một lệnh cấm khởi kiện. Lí do Tòa án Tối cao đưa ra là: (1) lệnh cấm khởi kiện đã cấu thành một sự can thiệp vào một tiến trình xét xử đang diễn ra tại Indonesia, bởi vậy đã vi phạm nguyên tắc chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa Indonesia; (2) nó vi phạm trật tự công Indonesia và (3) nó thuộc lĩnh vực luật tố tụng thay vì thương mại.

Tranh chấp giữa Astro và Ayunda vốn phát sinh từ việc liên doanh thất bại theo Thỏa thuận mua bán cổ phần & cổ đông (SSA) của hai bên. Theo thỏa thuận trọng tài trong SSA, Asto thực hiện khởi kiện Ayunda ra trọng tài theo quy tắc SIAC. Tuy nhiên trước đó, Ayunda đã nộp đơn khởi kiện Astro tại Tòa án Quận Nam Jakarta. Trong quá trình tố tụng trọng tài, Ayunda đã phản đối thẩm quyền của trọng tài. Tuy nhiên HĐTT đã ban hành một phán quyết bác bỏ sự phản đối thẩm quyền trọng tài của Ayunda và đưa ra lệnh cấm khởi kiện ngăn cản Ayunda trong việc tiếp tục tố tụng tại tòa án ở Indonesia để kiện Astro với lí do đối tượng của vụ tranh chấp thuộc phạm vi của thỏa thuận trọng tài được quy định trong SSA.

Sự can thiệp vào tiến trình xét xử đang diễn ra tại Indonesia

Nhằm đưa ra kết luận cho vấn đề này, Tòa án Tối cao dường như đã xem xét lệnh cấm khởi kiện, đã được gửi tới Toà án Quận Nam Jakarta liên quan tới các Thẩm phán trong vụ án Ayunda khởi kiện Astro. Do đó, Toà án Tối cao đã cho rằng lệnh cấm khởi kiện đã can thiệp vào tiến trình xét xử đang diễn ra ở Indonesia, và nó vi phạm nguyên tắc chủ quyền nhà nước của nước Cộng hòa Indonesia.

Thực chất, lệnh cấm khởi kiện đã được ban hành để yêu cầu Ayunda (chứ không phải Toà án Quận Nam Jakarta) chấm dứt vụ kiện trước tòa vì Ayunda bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài quy định trong SSA. Trên thực tế, theo Luật tố tụng dân sự Indonesia, Ayunda là nguyên đơn luôn có quyền chấm dứt vụ kiện bằng cách rút lại Đơn khởi kiện và tòa án dân sự không có thẩm quyền ngăn cấm nguyên đơn rút lại đơn kiện của mình. Nếu Astro đã đưa ra Bản tự bảo vệ trong thủ tục tại Tòa án, việc rút Đơn khởi kiện của Ayunda chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của Astro. Nhưng bằng việc Astro đã bắt đầu quá trình tố tụng trọng tài chống lại Ayunda tại SIAC, có thể hiểu rằng Astro đồng ý để Ayunda rút Đơn khởi kiện tại Tòa án.

Quan điểm Tòa án tối cao coi lệnh cấm khởi kiện là một mệnh lệnh đối với tòa án Indonesia cũng còn nhiều chất vấn bởi một cách tiếp cận đã được chấp nhận rộng rãi là, trong bối cảnh trọng tài, thường sẽ được hiểu là một HĐTT chỉ có thẩm quyền đối với các bên tranh chấp bị ràng buộc bởi thoả thuận trọng tài là cơ sở để thành lập nên HĐTT. Trọng tài là một cơ chế dựa trên hợp đồng, và do đó HĐTT hầu như không thể ban hành một lệnh chống lại một bên thứ ba, huống hồ là chống lại một tòa án nước ngoài. Luật Trọng tài Indonesia có một khái niệm tương tự, theo đó thẩm quyền của một HĐTT để đưa ra các phán quyết hoặc chỉ thị/lệnh nằm trong phạm vi thỏa thuận trọng tài của các bên, nghĩa là HĐTT chỉ có thể đưa ra các phán quyết hoặc mệnh lệnh nhắm tới các bên bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài mà thôi. Như vậy, nói rằng lệnh cấm khởi kiện (thực tế gửi cho Ayunda) là một hình thức can thiệp chống lại tòa án Indonesia hoặc quá trình xét xử thực sự là một quan điểm gây tranh cãi.

Vi phạm trật tự công của Indonesia

Hiện nay, chẳng có một định nghĩa chính xác hay rõ ràng về trật tự công (hay trật tự công cộng) hoặc các vấn đề được coi là trái với trật tự công nào cả! Luật Trọng tài cũng không đề cập tới vấn đề trật tự công. Điều 4 khoản (2) Quyết định của Toà án Tối cao số 1 năm 1990 định nghĩa rất rộng về trật tự công: là "các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật và hệ thống xã hội ở Indonesia". Nói cách khác, trật tự công là một khái niệm mở.

Nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật Indonesia” nằm rải rác trong một số văn bản trong hệ thống pháp luật Indonesia. Trong bối cảnh trọng tài, người ta nên đọc Luật Trọng tài để nắm được các nguyên tắc cơ bản theo luật Indonesia. Một trong những điều khoản quan trọng nhất trong Luật Trọng tài là Điều 11, khoản (1), trong đó nêu rõ “sự tồn tại của một thoả thuận trọng tài bằng văn bản sẽ loại trừ quyền của các bên mang các tranh chấp hay các khác biệt về quan điểm trong hợp đồng của họ tới giải quyết tại Tòa án Quận. Khoản (2) điều này quy định thêm: “Tòa án Quận phải từ chối và không được can thiệp vào việc giải quyết tranh chấp đã được thỏa thuận đưa ra trọng tài.”

Bởi vậy, vẫn cần phải tranh luận thêm rằng lệnh cấm khởi kiện là phù hợp với Điều 11 khoản (1) Luật Trọng tài, theo đó Ayunda không có quyền đưa ra trước các Tòa án của Indonesia tranh chấp về Thỏa thuận SSA . Lệnh cấm khởi kiện cũng không trái với khoản (2) điều này, bởi theo quy định tại khoản (2) này, Tòa án Quận Nam Jarkata không có thẩm quyền giải quyết bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ Thỏa thuận SSA. Cũng có thể nói rằng lệnh cấm này là yếu tố thiết yếu để đảm bảo sự thực thi của Điều 11 Luật Trọng tài. Tuy nhiên, một số quan điểm thậm chí có thể đi xa hơn, cho rằng lệnh cấm này thực chất nhằm duy trì trật tự công bằng cách ngăn chặn hiện tượng đa phán quyết với việc dân sự. Trong bối cảnh này, các học giả hàng đầu cho rằng thẩm quyền của Tòa án là một vấn đề thuộc trật tự công. Đó cũng là lí do vì sao theo Luật Tố tụng Dân sự Indonesia, Thẩm phán tòa dân sự, thông qua Tòa, không có thẩm quyền xét xử một tranh chấp mà các bên đã bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài. Điều đó có nghĩa là kể cả khi không bên nào phản đối thẩm quyền thì Thẩm phán cũng không được giải quyết tranh chấp đó.

Nguyên tắc “Tính thương mại”

Mặc dù tranh chấp giữa Astro và Ayunda phát sinh từ mối quan hệ hợp đồng theo SSA, Toà án tối cao Indonesia vẫn quyết định rằng nội dung của phán quyết SIAC không thuộc lĩnh vực thương mại, mà nó thuộc lĩnh vực luật tố tụng do phán quyết này có chứa lệnh cấm khởi kiện.

Câu hỏi đặt ra là cần yếu tố gì để một tranh chấp được coi là thuộc lĩnh vực thương mại: đối tượng tranh chấp, quan hệ pháp lý giữa các bên tranh chấp, hay các mệnh lệnh được đưa ra trong các phán quyết của trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp đó?

Luật Trọng tài quy định cụ thể thuật ngữ "tranh chấp" khi thiết lập các nguyên tắc về khả năng tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài. Điều 5 quy định rằng "tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài là những tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và nội dung các tranh chấp này liên quan đến các quyền được kiểm soát hoàn toàn bởi các bên tranh chấp". Quy định này củng cố Điều 66 điểm b của Luật Trọng tài quy định Indonesia sẽ chỉ công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài quốc tế thuộc phạm vi của luật thương mại. Việc xác định Điều 66 điểm b đã giải thích về ý nghĩa của "phạm vi luật thương mại", tức là "các hoạt động" trong lĩnh vực thương mại, ngân hàng, tài chính, đầu tư, công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, Quyết định của Tổng thống về việc phê chuẩn Công ước New York quy định rằng Indonesia sẽ chỉ áp dụng Công ước New York khi có những khác biệt phát sinh từ những "quan hệ pháp lý" được coi là có tính thương mại theo luật Indonesia.

Xem xét các điều trên, nguyên tắc “Tính thương mại” dường như liên quan tới bản chất của tranh chấp hay mối quan hệ pháp lý giữa các bên tranh chấp, chứ không phải các mệnh lệnh đưa ra trong các phán quyết nước ngoài, huống hồ là một chỉ thị/mệnh lệnh về thủ tục. Các học giả hàng đầu cho rằng sự tồn tại của các chỉ thị/mệnh lệnh về thủ tục trong một phán quyết nước ngoài không thể chấm dứt bản chất thương mại của phán quyết miễn là tranh chấp mà phán quyết đó giải quyết phát sinh từ một hợp đồng thương mại. Do đó, khá là khó hiểu cho việc Tòa đã  áp dụng bài kiểm tra “tính thương mại” vào một chỉ thị/mệnh lệnh thủ tục như lệnh cấm khởi kiện.

Kết luận

Từ các luận điểm trên, có thể tạm kết luận rằng, về bản chất, lệnh cấm khởi kiện ban hành trong vụ Astro kiện Ayunda là tương thích với Điều 11 và 32 của Luật Trọng tài.

Vấn đề chính ở đây có lẽ là khả năng thực thi “trên thực tế” của lệnh cấm khởi kiện, như là làm sao khiến Ayunda rút hồ sơ khởi kiện tại tòa án Indonesia. Vấn đề tương tự phát cũng sinh trong vụ án của Tòa Indonesia khi Tòa ban hành lệnh buộc thực hiện đúng hợp đồng, thay cho lệnh buộc bồi thường thiệt hại. Nhìn chung, để thực thi lệnh lệnh buộc thực hiện đúng hợp đồng vẫn còn khó khăn nếu bên thua kiện không tự nguyện tuân thủ, đặc biệt do không có chế tài rõ ràng nào cho việc không tuân thủ lệnh của một tòa dân sự. Ngược lại, các tòa án Indonesia có thể thực thi một lệnh buộc bồi thường thiệt hại bằng cách tịch thu và bán đấu giá tài sản của bên thua rồi chuyển giao cho bên thắng kiện. Thông thường các đương sự tại Indonesia nếu mong muốn có lệnh của toà án buộc một bên thực hiện đúng hợp đồng cũng cùng lúc yêu cầu thêm một "dwangsom" (lệnh buộc bồi thường thiệt hại). Nếu yêu cầu dwangsom được toà đưa ra, bên thua kiện sẽ phải trả một khoản tiền phạt tính theo từng ngày trì hoãn tuân thủ lệnh buộc thực hiện đúng hợp đồng dựa trên số tiền mà tòa án đã xác định. Nếu bên thua kiện tiếp tục không tuân theo yêu cầu, tòa án có thể thực hiện dwangsom theo bất kỳ cách nào khác như cách buộc bồi thường thiệt hại. Điều này sẽ gây áp lực lên phía bên thua kiện để buộc họ thực hiện đúng hợp đồng.

Với những lí do trên, có thể cân nhắc phương án yêu cầu HĐTT ban hành một lệnh cấm khởi kiện đi kèm với một khoản phạt vi phạm nếu bên bị cấm khởi kiện (ví dụ như Ayunda) từ chối hoặc không tuân thủ lệnh cấm. Có thể nói rằng, cần phải hết sức thận trọng khi yêu cầu một lệnh cấm khởi kiện nếu có ý định thi hành vụ việc ở Indonesia vì các tòa án ở Indonesia có thể không chỉ từ chối công nhận lệnh cấm khởi kiện, mà còn cả toàn bộ phán quyết như trong vụ Astro kiện Ayunda (mặc dù cũng giống như các quốc gia thuộc hệ thống luật thành văn – civil law khác, Indonesia không tuân theo quy tắc án lệ ràng buộc). 

Nguồn bài viết gốc: http://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2018/03/03/indonesia-enforceability-foreign-anti-suit-injunctions-indonesian-law/

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI