Vận hành thủ tục trọng tài theo điều khoản trọng tài lai tại VIAC

10/30/2019

Việc áp dụng thành công UAR để giải quyết tranh chấp tại VIAC đã chứng minh rằng pháp luật trọng tài và thực tiễn trọng tài của Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với pháp luật và thực tiễn trọng tài của thế giới. Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài adhoc tại các Trung tâm Trọng tài nói chung và VIAC nói riêng đã tạo thêm một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, đáp ứng tối đa nhu cầu giải quyết tranh chấp của các bên tại Việt Nam. Cùng theo dõi bài đăng về thành tựu này của VIAC dưới góc độ chuyên gia của Phó Tổng Thư ký Châu Việt Bắc.

Khi cân nhắc các phương án giải quyết tranh chấp, xu hướng sử dụng trọng tài thay cho phương án Tòa án truyền thống đang là xu hướng được Doanh nghiệp ưa chuộng. Trong đó, lựa chọn một thủ tục trọng tài được điều phối và giám sát bởi một tổ chức trọng tài quy chế (institutional arbitration/administered arbitration) có lẽ là một trong những phương án thuận tiện và phổ biến hơn cả đối với Doanh nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thông thường, mỗi trung tâm trọng tài đều thiết kế cho riêng mình một bộ quy tắc tố tụng, tuân theo các khuôn mẫu chung, đảm bảo tính “quốc tế” trong khi hoạt động tuân thủ theo các quy định của “địa phương”- quốc gia nơi trung tâm đó có trụ sở. Hầu hết, các trung tâm đều khuyến khích các bên sử dụng chính bộ quy tắc của trung tâm để giải quyết tranh chấp của các bên bởi việc vận hành một thủ tục trọng tài theo quy tắc của chính mình sẽ nhuần nhuyễn, thành thục và ít “trục trặc” phát sinh hơn.

Tuy vậy, như là một nguyên tắc cơ bản của trọng tài, quyền lựa chọn vẫn thuộc về các bên. Có không ít thỏa thuận trọng tài thể hiện ý chí rằng các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại một trung tâm trọng tài này, nhưng muốn sử dụng một bộ quy tắc tố tụng khác với bộ quy tắc của trung tâm đó ban hành.

Trong thực tiễn tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã gặp rất nhiều các thỏa thuận trọng tài mà trong đó, các bên (trong đó thường là có một bên Việt Nam) lựa chọn VIAC nơi thụ lý các tranh chấp của mình nhưng lại thỏa thuận áp dụng quy tắc tố tụng của Tòa trọng tài quốc tế ICC (the ICC Rules of arbitration), của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (the SIAC Rules of Arbitration) hay của Ủy ban Pháp luật Thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc – UNCITRAL (UNCITRAL Arbitration Rules),v.v..

Nếu luật áp dụng điều chỉnh hiệu lực của thỏa thuận trọng tài (đồng thời hoặc không đồng thời là luật điều chỉnh hiệu lực giao dịch của các bên) là luật Việt Nam thì vấn đề đầu tiên nằm ở việc liệu một điều khoản/thỏa thuận trọng tài như vậy có được công nhận về hiệu lực theo pháp luật Việt Nam hay không.

Tuy Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 không có quy định nào cụ thể về vấn đề trên, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 22/03/2014 của Tòa án nhân dân tối cao đã kịp có quy định về vấn đề này tại Khoản 4 Điều 4, theo đó việc các bên lựa chọn VIAC nơi thụ lý các tranh chấp của mình nhưng lại thỏa thuận áp dụng quy tắc tố tụng của Tòa trọng tài quốc tế ICC (the ICC Rules of arbitration), của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (the SIAC Rules of Arbitration) khả năng cao bị coi là một thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, nếu các bên chọn VIAC và áp dụng Quy tắc trọng tài của UNCITRAL thì hoàn toàn phù hợp và trên thực tế, trong năm 2015 và nửa đầu 2016, lần đầu tiên trong thực tiễn của VIAC cũng như tại Việt Nam, VIAC đã thụ lý và điều phối một vụ kiện trọng tài dựa trên một thỏa thuận trọng tài lai (hybrid arbitration agreement) như vậy. Trong suốt quá trình tố tụng trọng tài của vụ việc đầu tiên này, VIAC đã nhận được sự hỗ trợ vô cùng lớn và giá trị từ Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Đây là một động lực to lớn và tín hiệu tích cực đối với cả VIAC và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò hỗ trợ của Tòa án trong hoạt động trọng tài thương mại. Phán quyết do Hội đồng Trọng tài VIAC ban hành tiếp tục nhận được sự hỗ trợ bởi Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh và hiện đang trong quá trình thi hành án.

Về Quy tắc trọng tài của UNCITRAL

Quy tắc Trọng tài sửa đổi, bổ sung năm 2010 của Ủy ban Pháp luật Thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc - UNCITRAL (gọi tắt là UAR) cùng với Công ước New York về Trọng tài Thương mại Quốc tế năm 1958 và Luật mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế năm 1985 (và bản sửa đổi bổ sung năm 2006) (gọi tắt là MAL) được công nhận là các văn kiện pháp lý điều chỉnh thành công và hiệu quả nhất trong lĩnh vực Trọng tài thương mại Quốc tế.

UAR là một Quy tắc trọng tài rất hiệu quả bởi nhiều lý do như: thứ nhất, Quy tắc này từ lâu đã là hình mẫu và ưu tiên duy nhất cho trọng tài vụ việc (adhoc); thứ hai, Quy tắc ảnh hưởng đến việc soạn thảo MAL và từ đó gián tiếp ảnh hưởng lên Luật về trọng tài ở nhiều nước; thứ ba, Quy tắc cũng ảnh hưởng đến các quy tắc trọng tài được ban hành bởi các tổ chức trọng tài quy chế trên thế giới thông qua việc UAR được áp dụng như các quy tắc của trọng tài quy chế hoặc là nguồn tham khảo cho việc xây dựng các quy tắc trọng tài riêng của các tổ chức này. Cuối cùng, Quy tắc này không chỉ được sử dụng cho trọng tài vụ việc trong lĩnh vực thương mại mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Trên thực tế, trong bản sửa đổi bổ sung năm vào năm 2010, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thừa nhận phạm vi áp dụng rộng rãi hơn của Quy tắc:

“ Nhận thấy UAR được thừa nhận là một văn bản hiệu quả và được sử dụng trong nhiều trường hợp tranh chấp khác nhau ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm các tranh chấp giữa các bên là các tổ chức tư nhân thương mại, giữa nhà nước với nhà đầu tư, giữa nhà nước với nhà nước, và các tranh chấp thương mại khác giải quyết bởi các Trung tâm Trọng tài (….)”.

Việc vận dụng UAR của các Trung tâm Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các hoạt động trọng tài của các Trung tâm Trọng tài trên toàn thế giới và điều này được thừa nhận trong Khuyến nghị năm 2012 của UNCITRAL (gọi tắt là Khuyến  nghị UNCITRAL), một bản khuyến nghị trong việc hỗ trợ các Trung tâm Trọng tài và các cơ quan liên quan đến trọng tài trong việc vận dụng UAR trong hoạt động liên quan đến giải quyết tranh chấp của tổ chức mình, bao gồm:

“a) UAR được sử dụng làm mẫu cho việc soạn thảo quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài. Mức độ của việc áp dụng này là khác nhau. UAR có thể được áp dụng làm tiền đề cho việc soạn thảo hoặc được tiếp thu toàn bộ vào quy tắc của các Trung tâm;

b) Các Trung tâm Trọng tài thực hiện giải quyết tranh chấp bằng UAR hoặc áp dụng Quy tắc này để thực hiện các trợ giúp về mặt hành chính trong trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc;

c) Các Trung tâm Trọng tài có thể được yêu cầu thực hiện vai trò tổ chức có thẩm quyền chỉ định, theo UAR.”

Năm 2015 và 2016, lần đầu tiên tại Việt Nam, VIAC đã áp dụng UAR thành công để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng giữa hai doanh nghiệp Việt Nam có thỏa thuận trọng tài như sau:

 “…Các bên đồng ý rằng, trong trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc khác biệt, liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng này, thì một trong hai bên có thể đưa vấn đề ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Các bên thống nhất chỉ định một Trọng tài viên hoặc trong vòng mười bốn (14) ngày kể từ ngày một trong hai bên gửi cho bên còn lại văn bản yêu cầu chấp thuận chỉ định trọng tài nhưng không có sự đồng thuận thì Trọng tài viên sẽ được chỉ định bởi Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Các bên đồng ý rằng, tất cả các thủ tục tố tụng được thực hiện tại Việt Nam và áp dụng quy tắc trọng tài UNCITRAL. Quyết định của trọng tài là quyết định cuối cùng. Chi phí liên quan và các phí tổn phải được thanh toán theo chỉ dẫn của trọng tài viên (trong trường hợp không có sự chỉ dẫn, chi phí và các phí tổn sẽ được chia đều giữa các bên…)”.

Một số vấn đề pháp lý khác biệt nổi bật khi VIAC vận dụng UAR so với vận dụng Quy tắc tố tụng trọng tài của mình để giải quyết vụ tranh chấp nêu trên như sau:

(i) Về hình thức trọng tài: Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, “Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài đó”. Với quy định này, để được coi là trọng tài quy chế thì: (i) thứ nhất, các Bên phải thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm Trọng tài, (ii) thứ hai, việc giải quyết tranh chấp phải theo quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài đó. Trong vụ tranh chấp, các bên thỏa thuận “đưa vấn đề ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam” nhưng lại thỏa thuận “áp dụng quy tắc trọng tài UNCITRAL”. Như vậy, các bên không thỏa thuận chọn hình thức trọng tài quy chế mà là chọn hình thức trọng tài adhoc và theo thủ tục tố tụng được lựa chọn bởi các bên - UAR.

(ii) Về chỉ định Trọng tài viên:  Trong hồ sơ vụ tranh chấp cho thấy các bên không đạt được thỏa thuận về việc chỉ định Trọng tài viên duy nhất. Tại Thỏa thuận trọng tài, các bên thống nhất trường hợp “không có sự đồng thuận thì Trọng tài viên sẽ được chỉ định bởi Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Thực tế, phù hợp thỏa thuận các bên, căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 7 và Điều 41 của Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, theo yêu cầu của Nguyên đơn, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp này. Điều này khác với thủ tục trọng tài quy chế, nếu các bên không chọn được Trọng tài viên thì Chủ tịch Trung tâm Trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên thay cho các bên.

(iii) Về việc gửi và trình tự gửi tài liệu, thông báo trong tố tụng: phù hợp với pháp luật trọng tài Việt Nam cũng như UAR (cụ thể là tại Điều 17 UAR), việc gửi tài liệu, thông báo của các bên sẽ do bên cung cấp tài liệu gửi trực tiếp tài liệu cho bên còn lại, đồng thời gửi cho Trọng tài viên duy nhất một (01) bản thông qua VIAC và gửi cho VIAC một (01) bản (để lưu trữ). Quy trình này rất khác với hình thức trọng tài quy chế là tất các tài liệu, thông báo do các bên gửi đều phải thông qua VIAC và sau đó, VIAC sẽ chuyển cho bên còn lại và Hội đồng Trọng tài.

(iv) Về phí trọng tài: Hội đồng Trọng tài ấn định và phân bổ phí trọng tài phù hợp thỏa thuận các bên và Điều 40 và Điều 42 UAR. Khác với trọng tài quy chế, phí trọng tài là do Trung tâm Trọng tài quy định, bao gồm cả thù lao của Hội đồng trọng tài.

Phù hợp với UAR, Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, Khuyến nghị UNCITRAL, vai trò của VIAC trong vụ tranh chấp nêu trên chỉ tham gia với tư cách là chủ thể cung cấp dịch vụ hành chính và các trợ giúp để Hội đồng Trọng tài vụ việc giải quyết vụ tranh chấp hiệu quả và thành công. Sau khi nhận phán quyết trọng tài, bên thua kiện đã yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do thủ tục tố tụng trọng tài trái với Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 nhưng Tòa án có thẩm quyền đã bác yêu cầu hủy này. Tiếp nối thành công, bên thắng kiện đã tiến hành đăng ký thành công phán quyết trọng tài theo qui định pháp luật để có căn cứ yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành.

Như vậy, việc áp dụng thành công UAR để giải quyết tranh chấp tại VIAC đã chứng minh rằng pháp luật trọng tài và thực tiễn trọng tài của Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với pháp luật và thực tiễn trọng tài của thế giới. Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài adhoc tại các Trung tâm Trọng tài nói chung và VIAC nói riêng đã tạo thêm một phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, đáp ứng tối đa nhu cầu giải quyết tranh chấp của các bên tại Việt Nam.

Tham khảo thêm: Quyết định số 167/2017/QĐ-ĐKPQ về đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc của vụ tranh chấp nêu trong bài viết tại Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh

CHÂU VIỆT BẮC

Phó Tổng Thư Ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI