Những vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

10/30/2019

PGS, TS Đỗ Văn Đại - Trọng tài viên VIAC, Phó Chủ tịch Hội đồng KHPL VIAC tham luận tại HT về bảo hiểm phi nhân thọ do Hiệp hội bảo hiểm và Tòa án tối cao tổ chức tại Nha Trang ngày 02/08/2019. Sau đây là đoạn trích bài tham luận của Trọng tài viên Đỗ Văn Đại tại hội thảo này:

[...]

III - Những vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận trọng tài.

Trong các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ rất phổ biến có thỏa thuận trọng tài và, khi có tranh chấp, một trong các bên lại đưa tranh chấp ra Tòa án. Nếu Tòa án phát hiện ra điều khoản trọng tài ở giai đoạn sơ thẩm, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP đã đưa ra hướng giải quyết là Tòa án đình chỉ vụ án và trả lại hồ sơ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hiếm trường hợp ở cấp sơ thẩm, không chủ thể nào đưa vấn đề thỏa thuận trọng tài ra để đình chỉ vụ án mà vấn đề này chỉ được đề cập ở cấp phúc thẩm. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ phải làm gì? Nghị quyết nêu trên chưa rõ về vấn đề này và hướng xử lý trong vụ việc sau đây rất đáng lưu tâm.

Cụ thể, trong hợp đồng bảo hiểm giữa một cá nhân và công ty bảo hiểm có thỏa thuận theo đó “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này  nếu hai bên không  thể giải quyết trên cơ sở thương lượng thì sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết tranh chấp và vấn đề tồn tại thỏa thuận được đặt ra trong quá trình phúc thẩm. Sau khi khẳng định “có cơ sở xác định tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, nên việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Như vậy, có cơ sở xác định: Việc thỏa thuận giải quyết tranh chấp theo Quy tắc tố tụng trọng tài của các đương sự trong hợp đồng bảo hiểm tàu cá số: AD: 0068/16B3550, ngày 13-01-2016 là đúng pháp luật”, Tòa án cấp phúc thẩm đã xét rằng “Lẽ ra khi nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án cấp sơ thẩm phải từ chối thụ lý. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án là không phù hợp với quy định của pháp luật. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217; khoản 4 Điều 308 và Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”[1].

Hướng trên đã làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài như trên là hợp pháp; thứ hai, cấp phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Hai nội dung này nên phát triển thành án lệ.

2. Vai trò của giám định đối với sự kiện bảo hiểm.

Trong tranh chấp bảo hiểm, chúng ta thường xuyên thấy xuất hiện của tổ chức giám định trên cơ sở đề nghị của bên bảo hiểm. Từ đó, câu hỏi đặt ra là tổ chức này có vai trò gì trong việc xác định sự kiện được bảo hiểm không?

Theo Điều 48 (khoản 1) Luật Kinh doanh bảo hiểm, “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm chịu”. Thực tế, có thể xảy ra trường hợp tổ chức giám định cho ý kiến cả về việc sự kiện có được bảo hiểm hay không. Về chủ đề này, theo Tòa án, “Công ty Bảo Minh còn căn cứ vào nhận định của Vivaco về việc tổn thất này không thuộc phạm vi của bảo hiểm để chứng minh việc từ chối bảo hiểm của Công ty Bảo Minh là có căn cứ. Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm về giám định tổn thất thì Công ty giám định chỉ được giám đinh nguyên nhân và mức độ thiệt hại. Vivaco không có thẩm quyền và không được yêu cầu giám định về việc tổn thất này có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không. Vì vậy, luận cứ này của Công ty Bảo Minh là không có cơ sở để chấp nhận”[2].

Hướng như nêu trên của Tòa án là hoàn toàn thuyết phục, làm rõ văn bản, làm rõ phạm vi can thiệp của tổ chức giám định và nên phát triển thành án lệ.

3. Bắt đầu lại thời hiệu (người thừa nhận nợ là nhân viên).

Bộ luật Dân sự có quy định về thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khi “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận” nghĩa vụ[3]. Tuy nhiên, quy định này không rõ việc “Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận” nghĩa vụ như thế nào. Do đó, hướng sau đây của Tòa án rất đáng lưu tâm.

Cụ thể, theo Tòa án, “Trong quá trình thực hiện hai hợp đồng bảo hiểm nêu trên, Công ty ITC đã nộp phí bảo hiểm vào ngày 30-7-2007 và ngày 26-02-2010 với tổng số tiền là 100.761 USD. Mặc dù, Công ty ITC nộp phí bảo hiểm không đúng kỳ hạn quy định nhưng vẫn được Công ty Bảo Minh chấp nhận. Mặt khác, Công ty Bảo Minh và Công ty ITC đã nhiều lần (vào các ngày 04-3-2008, ngày 17-6-2008, 20-9-2008, ngày 03-6-2009, ngày 18-6-2009, ngày 17-7-2009 và ngày 08-3-2010) cùng xác nhận nợ phí bảo hiểm với nhau. Trong đó, lần xác nhận nợ phí bảo hiểm cuối cùng là ngày 08-3-2010. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện của vụ án này được tính lại từ ngày 08-3-2010. Ngày 30-5-2011, Công ty Bảo Minh khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty ITC thanh toán tiền phí bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm nêu trên là trong thời hiệu. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện là không đúng”[4]. Ở đây, Tòa án theo hướng xác nhận công nợ làm bắt đầu thời hiệu mặc dù “Các văn bản nêu trên không phải do người đại diện theo pháp luật của Công ty ký mà do hoặc là Kế toán trưởng, hoặc là Phó Giám đốc của Công ty ITC ký và đóng dấu Công ty ITC” và “người đại diện theo pháp luật hiện nay của Công ty ITC cho rằng không biết việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ký các hợp đồng bảo hiểm, không biết việc các phó giám đốc và kế toán trưởng Công ty ký các văn bản nêu trên...”.

Hướng nêu trên rất đáng quan tâm và nên xem xét phát triển thành án lệ để cho phép xác định thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

4. Bắt đầu lại (do thương lượng) và không tính vào thời hiệu (do khiếu nại).

Bộ luật Dân sự có quy định về bắt đầu lại thời hiệu như đã trình bày ở trên và có quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện[5]. Thực tế, rất thường xuyên một bên khiếu nại ra cơ quan không là Tòa án hay tiến hành thương lượng để giải quyết tranh chấp và câu hỏi đặt ra là khoảng thời gian đó tác động như thế nào tới thời hiệu khởi kiện.

Về câu hỏi trên, hướng giải quyết sau đây của Tòa án rất đáng được lưu tâm. Cụ thể, theo Tòa án, “Hợp đồng giữ hai bên ký kết vào ngày 27-02-2003, năm 2006-2007 giữa hai bên xảy ra tranh chấp về hợp đồng đại lý và đến ngày 01-12-2011 Công ty Prudential khởi kiện ông Vũ đối với việc thanh toán số tiền thu phí bảo hiểm của khách hàng là đã quá thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 159 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 427 của Bộ luật Dân sự và Điều 319 của Luật Thương mại. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì Công ty Prudential đã khiếu nại ông Vũ tại cơ quan điều tra Công an Quận 6, do đó khoảng thời gian này không được tính vào thời hiệu khởi kiện và đồng thời đến ngày 21/02/2010 giữa ông Vũ và công ty vẫn còn còn thương lượng việc tranh chấp này, do đó việc khởi kiện của Công ty Prudential đến ngày gửi đơn tại Tòa án là vẫn còn thời hiệu khởi kiện do đã bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 162 của Bộ luật Dân sự và được giải quyết theo thủ tục chung”[6].

Ở đây, Tòa án xác định thời gian khiếu nại tại cơ quan điều tra là thời gian không tính vào thời hiệu và việc thương lượng giữa các bên cho phép tính lại thời hiệu. Đó là những hướng xử lý nên cân nhắc phát triển thành án lệ và hướng này nên phát triển cho tất cả tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm.

5. Xử lý khoản tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự rất phổ biến và hiện nay pháp luật của chúng ta (về nguyên tắc) chưa cho phép nạn nhân được yêu cầu trực tiếp doanh nghiệp bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người mua bảo hiểm để người mua bảo hiểm dùng tiền đó để bồi thường thiệt hại.

Hướng như nêu trên chưa thực sự thuyết phục và khá bất lợi cho người bị thiệt hại nên chúng ta cần tìm cách cải thiện và hướng giải quyết sau đây rất đáng được lưu tâm. Cụ thể, ông Thanh là chủ xe gây thiệt hại cho người thứ ba và có hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Theo Tòa giám đốc thẩm, “số tiền mà Công ty bảo hiểm Bảo Việt tỉnh Vĩnh Long phải hoàn trả cho anh Thanh, để anh Thanh chi trả cho 03 gia đình nạn nhân phải là 90.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi tuyên trả cho anh Thanh thì cần phải tuyên số tiền này phải được tạm giữ để đảm bảo cho việc thi hành án”[7].

Ở đây, khi có tranh chấp, Tòa án phải tuyên số tiền bảo hiểm phải được tạm giữ để đảm bảo thi hành án cho việc trả tiền bồi thường và hướng này bảo vệ người bị thiệt hại và không ảnh hưởng tới quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm (vì đằng nào cũng phải trả). Do đó, chúng ta nên cân nhắc phát triển hướng trên thành án lệ.


[1] Bản án số 76/2018/DS-PT ngày 24-10-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

[2] Bản án số 13/2009/KDTM-PT ngày 15-01-2009 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Theo khoản 1 Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005, “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; c) Các bên đã tự hòa giải với nhau” (về cơ bản được giữ lại trong Bộ luật Dân sự năm 2015).

[4] Quyết định số 10/2014/KDTM-GĐT ngày 23-05-2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[5] Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005, “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu” (vẫn được giữ lại trong Bộ luật Dân sự năm 2015).

[6] Bản án số 02/2014/KDTM-ST ngày 21-01-2014 của Tòa án nhân dân Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Quyết định số 15/2007/HS-GĐT ngày 04-06-2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI