Mười năm tiến tới chuẩn mực quốc tế trong hoạt động trọng tài

01/18/2021

PGS, TS. Phạm Duy Nghĩa

Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC

Doug Jones, một trưởng lão trong làng trọng tài quốc tế, kể với tôi rằng qua một lần dự hội thảo tại Đà Nẵng, ngoài bờ biển rất đẹp và những món đồ ăn Việt Nam hấp dẫn đến khó cưỡng, ông ấy rất ấn tượng với các trọng tài viên trẻ tuổi, các thư ký VIAC, họ nhanh nhẹn, giỏi giang, đầy sự tự tin và khao khát làm cho trọng tài Việt Nam ngày càng giống, sánh vai được với trọng tài đẳng cấp nước ngoài.

Ông ấy là người Anh, ở quê của ông ấy tôi sơ sài hiểu rằng, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên đã tạo nghề luật từ cổ xưa, họ vốn đã độc lập với giới vua chúa, với chính quyền. Tư nhân, tư hữu, quyền riêng tư ở xứ đó là những thứ thiêng liêng, đáng trân trọng, và hiển nhiên không có gì là tội lỗi, xấu xa. Trong văn hóa ấy, chẳng những tài phán của tòa vốn độc lập, tài phán tư của các trọng tài tư nhân cũng được tôn trọng, được thi hành. Không mấy ngạc nhiên từ xứ đó đã bắt nguồn những truyền thống lâu đời, làm mẫu mực về trọng tài.

Trong rất nhiều thế hệ người Việt đã chung sức xây dựng nền móng cho hoạt động trọng tài ở nước ta, phải đặc biệt phải kể đến công sức của bác Phạm Quốc Anh, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Xông xáo huy động từng đồng tiền tài trợ, hơn chục năm trước đây, bác Phạm Quốc Anh đã tạo điều kiện cho nhóm biên tập Dự thảo Luật Trọng tài thương mại có cơ hội tiếp cận được với kinh nghiệm quốc tế tốt nhất về trọng tài, chắc rằng phải kể đến các chuyên gia Luật mẫu về trọng tài của UNCITRAL, các chuyên gia người Anh, người Mỹ, người Singapore.

Du nạp tài phán tư vào một đất nước mà tài phán công vẫn còn cần thêm nanh vuốt, quả là thách thức. Thú vị là, có cầu thì sẽ xuất hiện nguồn cung. Việt Nam, vài chục năm qua, như một con tàu tăng tốc lao nhanh vào miền sương khói của kinh tế thị trường. Công ty tư nhân mọc lên. Các công ty nước ngoài cũng nhanh chóng tìm cơ hội ở một quốc gia trẻ trung, có chi phí sản xuất, chi phí môi trường thấp, với dân số tiến gần tới cả trăm triệu người, có thu nhập tăng dần. Rủi ro trong kinh doanh xuất hiện, chúng cần được quản trị phù hợp, nếu có tranh chấp phải có cơ quan tài phán đáng tin cậy để phán xử.

Cứ tự nhiên như thế, theo chân các nhà tư bản là các hợp đồng mẫu, các chuẩn mực chung (ví dụ bộ chuẩn mực của FIDIC), các thói quen ứng xử, hành nghề của giới luật sư, tư vấn mà họ mang theo. Khi có tranh chấp, người ta sẽ suy tính khi nào nên nhờ hệ thống tòa Việt Nam, khi nào thì nên giải quyết bởi những thể chế, thói quen khác ngoài tòa án, ví dụ nhờ đến trọng tài.

Thú vị là, trọng tài cũng là một thứ dịch vụ mà người sử dụng dịch vụ chính là các bên tranh chấp. Các bên có thể tự giới hạn những vấn đề sẽ nhờ đến trọng tài, vấn đề nào thì không. Họ cũng có thể nộp đơn xong rồi tự thỏa thuận phạm vi của chứng cứ, thỏa thuận vấn đề cần tới ý kiến của chuyên gia và người làm chứng, thậm chí thỏa thuận lịch biểu, cách thức cung cấp chứng cứ, tiến độ của các hoạt động trọng tài. Hóa ra, khi gặp các ban thư ký để khởi kiện, họ có thể tự làm ra cái tựa như điều khoản tham chiếu (TOR) mà các ban thư ký và hội đồng trọng tài dựa vào đó mà giúp họ tìm ra những lời giải công bằng. Tích hợp đóng góp của các bên, Hội đồng trọng tài cũng hay ban hành lộ trình và yêu cầu tổng thể cho tiến độ, cách thức giải quyết vụ việc, tên gọi có thể khác nhau (ví dụ PO1), song đều là một thứ cam kết giữa trọng tài và các bên sử dụng dịch vụ.

Các thành viên ban biên tập, soạn thảo Luật Trọng tài thương mại 2010 có thể xác tín thêm, song theo cảm nhận của tôi, các thói quen kể trên có thể thoảng qua trong nhận biết, song chưa thể lắng đọng thành tiềm thức qua vài thế hệ luật gia vừa mới chuyển từ pháp chế XHCN sang nền pháp trị kiểu thị trường. Luật Trọng tài thương mại 2010 vẫn được soạn theo tư duy nộp đơn khởi kiện, nộp kèm luôn chứng cứ, Ban thư ký xem xét và thụ lý, thu phí, thành lập Hội đồng trọng tài, xác minh, thẩm định chứng cứ, xét xử, ban hành phán quyết, và có thể bị xem xét hủy bởi tòa. 

Hơn mười năm qua, những nhu cầu, thói quen mới ấy thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển và thay đổi thật nhanh. Bám sát các luật sư và nhà tư vấn nước ngoài là một thế hệ các luật sư thương mại tài ba của Việt Nam, ngay lập tức cung cấp những dịch vụ mà các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cần. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các trọng tài viên người Việt tham tự tin, tích cực tham gia xét xử tại các trung tâm trọng tài quốc tế nước ngoài. Cùng với họ, là những thói quen mới của hoạt động trọng tài, thay đổi và làm mới dần các sinh hoạt trọng tài như một dịch vụ tạo công bằng, công lý cho người dân, doanh nghiệp. 

Nhu cầu tăng và trở nên đa dạng, nguồn cung về thể chế trọng tài cũng phát triển theo. Số lượng, chất lượng của hoạt động trọng tài tăng nhanh, cùng với một giới chuyên môn giỏi giang, cung cấp dịch vụ trọng tài ngày càng chuyên nghiệp và hợp chuẩn quốc tế. Bấy nhiêu cũng thật mừng, thật đáng tự hào./.

 

“Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của VIAC hay cơ quan, tổ chức nào.”

Tin liên quan