Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài

10/30/2019

Học thuyết về tính độc lập của điều khoản trọng tài bắt nguồn vào những năm đầu thế kỷ XX, trong đó một vụ việc tiêu biểu đánh dấu sự công nhận dành cho học thuyết này là vụ Harbour v Kansa xảy ra vào năm 1940, trước cả khi Đạo luật Trọng tài của Anh (Arbitration Act 1996) ra đời. Trong vụ việc này, Toà phúc thẩm Anh đã công nhận rằng thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực cho dù hợp đồng là bất hợp pháp ngay từ đầu. Giải thích cho điều này, Toà cho rằng khi không thể đạt được mục đích của hợp đồng, thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu và từ đó giải thoát các bên khỏi nghĩa vụ hợp đồng, tuy nhiên điều khoản trọng tài lại không được coi là một mục đích của hợp đồng, vậy nên hiệu lực của thoả thuận trọng tài đó sẽ không bị ảnh hưởng.  Từ sau đó, học thuyết này đã được pháp điển hoá, trở thành một điều luật trong Đạo luật Trọng tài năm 1996 của Anh, và được ghi nhận rộng rãi trên thế giới.

Khái niệm tính độc lập của điều khoản trọng tài (hay sự tự chủ của điều khoản trọng tài ở một số hệ thống luật khác) có nghĩa là điều khoản trọng tài trong một hợp đồng sẽ được coi là tách biệt so với hợp đồng chính có chứa điều khoản trọng tài đó, và do đó, vẫn tồn tại khi hợp đồng bị chấm dứt. Sẽ thật vô nghĩa nếu một hành vi vi phạm hợp đồng (hoặc đang trong quá trình tranh chấp giữa các bên về việc vi phạm hợp đồng) hay một khiếu nại cho rằng hợp đồng vô hiệu có thể đồng thời hủy bỏ thỏa thuận trọng tài; bởi đây mới là những kh các bên cần đến thỏa thuận trọng tài nhất.

Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài là để đảm bảo rằng nếu một bên cho rằng đã có một vi phạm cơ bản hợp đồng thì hợp đồng cũng sẽ không bị hủy bỏ toàn bộ mà nó vẫn tồn tại với mục đích đánh giá các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ vi phạm, và điều khoản trọng tài vẫn tồn tại để quyết định hình thức giải quyết tranh chấp.

Một phương pháp khác để phân tích quan điểm này là thực tế vẫn tồn tại hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng chính - gồm những nghĩa vụ thương mại của các bên, và hợp đồng phụ - gồm những nghĩa vụ giải quyết bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ mối quan hệ này bằng trọng tài. Hợp đồng phụ này có thể không bao giờ cần thực hiện; nhưng nếu cần, hợp đồng này sẽ tạo nên cơ sở để chỉ định một hội đồng trọng tài và giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chính.

Học thuyết tính độc lập của thỏa thuận trọng tài cũng được áp dụng trong các quy tắc của trung tâm trọng tài cũng như các quy tắc quốc tế như UNCITRAL (Điều 16(1) Luật Mẫu), LCIA (Điều 23(2) Quy tắc) và được công nhận tại Tòa Tối cao Pháp (vụ Gosset), Tòa Tối cao Mỹ (vụ Prima Paint) và các tòa án Trung Quốc. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới nêu rõ quan điểm của mình về tính độc lập của điều khoản trọng tài trong luật trọng tài của mình. Số lượng các quốc gia mà khái niệm này chưa được chấp nhận đang dần giảm đi.

Xét về mối liên hệ trực tiếp giữa tính độc lập của điều khoản trọng tài và quyền (khả năng) của một hội đồng trọng tài trong việc tự quyết định thẩm quyền của chính mình, một số bộ luật hoặc quy tắc còn quy định rằng điều khoản trọng tài vẫn sẽ tồn tại ngay cả khi hợp đồng chính vô hiệu. Tuy nhiên, điều này còn phải phụ thuộc vào lý do tại sao hợp đồng vô hiệu và liệu xem hợp đồng chính này có bị vô hiệu ngay từ đầu hay không. Trên thực tiễn, việc áp dụng học thuyết này vẫn còn nhiều khác biệt trong trường hợp khi hợp đồng chính bị tranh cãi là chưa bao giờ tồn tại cả. Đạo luật Trọng tài 1996 tại Anh quy định một thỏa thuận trọng tài trong một thỏa thuận khác “sẽ không bị coi là vô hiệu, không tồn tại hoặc không thực hiện được nếu thỏa thuận kia… không tồn tại’’. Gần đây, Tòa án Trung Quốc cũng đã chấp nhận rằng: “Việc hợp đồng chính không được ký kết (không tồn tại) hoặc không có hiệu lực sau khi đã được ký kết (vô hiệu), sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của  điều khoản trọng tài được các bên thỏa thuận do điều khoản trọng tài hoàn toàn độc lập so với hợp đồng chính”, rất tương đồng với thực tiễn quốc tế.

(i) Sự tồn tại của separation doctrine:

Luật VN ghi nhận tính độc lập của thoả thuận trọng tài tại Điều 19, Luật TTTM 2010.

Ngoài ra, Điều 6.4 Quy tắc trọng tài ICC năm 1955, và Điều 21.2 Quy tắc trọng tài UNCITRAL năm 1976 cũng ghi nhận tính độc lập của thoả thuận trọng tài giống với quy định của Việt Nam.

(ii) Sự cần thiết của separation doctrine:

Thứ nhất, vì hầu hết các thoả thuận trọng tài đều được tích hợp thành một điều khoản trong hợp đồng chính, nên điều khoản trọng chính là cơ sở duy nhất để các bên có thể giải quyết tranh chấp tại trọng tài.

Thứ hai, vì hầu hết tranh chấp đều xảy ra sau khi chấm dứt hợp đồng, nên nếu số phận của điều khoản trọng tài gắn liền với hiệu lực hợp đồng, thì phần lớn các thoả thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu, và các tranh chấp sẽ không được giải quyết.

Từ hai điều trên, để đảm bảo quyền lợi của các bên, và đảm bảo rằng thoả thuận trọng tài thật sự có ý nghĩa, thì tính độc lập của điều khoản trọng tài trong hợp đồng chính là vô cùng cần thiết.

Nội dung trên được tổng hợp từ Trọng tài Quốc tế (ấn bản lần thứ 6), Nigel Blackaby, Constantine Partasides, Alan Redfern, Martin Hunter, đoạn 2.101 - 2.113.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI