Góc độ kinh nghiệm quốc tế: Vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba và xu hướng tiếp cận của trọng tài quốc tế

10/29/2024

Tóm tắt: Bài viết này tập trung trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba, trong lĩnh vực trọng tài thương mại trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bài viết cung cấp các biện pháp nhằm tăng cường khả năng thực thi các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với bên thứ ba trong pháp luật trọng tài quốc tế. Từ đó, rút ra kinh nghiệm và đề xuất với những quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề này.  

Đặt vấn đề: Theo Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, các biện pháp khẩn cấp tạm thời do hội đồng trọng tài (“HĐTT”) ban hành cũng có thể thi hành tương tự như các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Tòa án ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khi HĐTT ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba (bên không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài), do giới hạn thẩm quyền của HĐTT.  
 
1. Quy định hiện hành của pháp luật trọng tài Việt Nam và xu hướng tiếp cận của quốc tế

1.1. Quy định của Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban liên hợp quốc về vấn đề áp dụng BPKCTT có liên quan đến bên thứ ba 
Điều 17B Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban liên hợp quốc (“Luật Mẫu”) [1] quy định HĐTT được quyền ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời (“BPKCTT”) đối với các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, Luật Mẫu không trực tiếp điều chỉnh trường hợp BPKCTT được ban hành có liên quan và chống lại các bên thứ ba không ký kết thỏa thuận trọng tài.  
 
Bằng việc quy định cụm từ “Unless otherwise agreed by the parties (Nếu các bên không có thỏa thuận khác)”, có thể hiểu Luật Mẫu đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên tranh chấp và đưa ra “khoảng trống” để các quốc gia có thể chỉnh sửa Luật Mẫu, đưa vào pháp luật quốc gia tùy thuộc tình hình kinh tế - xã hội khác nhau. Điều này phù hợp với vai trò của Luật Mẫu là luật mềm (soft law), được soạn thảo theo hướng khuyến nghị chung để các quốc gia chấp nhận và nội luật hóa. Theo đó, việc điều chỉnh chi tiết về vai trò và quyền hạn của HĐTT (“HĐTT”) trong áp dụng BPKCTT liên quan đến bên thứ ba phụ thuộc vào pháp luật trọng tài quốc gia nơi có địa điểm trọng tài (seat of arbitration). 
 
1.2. Đối chiếu và đánh giá pháp luật Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới và Luật mẫu
  
a. Quy định pháp luật Anh Quốc (UK) về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có liên quan đến bên thứ ba
Theo Điều 38 của Đạo luật Trọng tài năm 1996, HĐTT có thẩm quyền ban hành các BPKCTT bao gồm (i) yêu cầu một bên cung cấp bảo lãnh trả chi phí trọng tài (trừ khi bên đó là một cá nhân sống ngoài vương quốc Anh hoặc là một tổ chức được thành lập hoặc có bộ phận quản lý, kiểm soát nằm ngoài vương quốc Anh); (ii) các quyết định điều tra, chụp ảnh, duy trì nguyên trạng, nắm giữ hoặc tạm giữ, yêu cầu lấy mẫu hoặc kiểm tra bất kỳ tài sản là đối tượng của vụ kiện mà đang được sở hữu hoặc kiểm soát bởi một bên tranh chấp; yêu cầu một bên duy trì nguyên trạng bất kỳ chứng cứ nào của vụ kiện mà họ đang nắm giữ. Như vậy, các BPKCTT do HĐTT thực hiện chỉ hướng tới các bên trong tranh chấp. 
 
Điều 44 của Đạo luật Trọng tài năm 1996 cho phép Toà án Anh có thể ban hành BPKCTT theo yêu cầu của một bên trong quá trình tố tụng trọng tài mà Toà án nghĩ là cần thiết để bảo vệ chứng cứ hoặc tài sản của bên tranh chấp. Theo Điều 9B của Quy tắc Toà án Trọng tài Quốc tế London 2016 (“Quy tắc LCIA”), Toà án sẽ không can thiệp ban hành các BPKCTT nếu các bên đã đề nghị Trọng tài viên khẩn cấp theo Điều 9B của Quy tắc LCIA. Tuy nhiên, Điều 44 chưa xác định chắc chắn rằng những BPKCTT được áp dụng trong quá trình tố tụng trọng tài, liệu có thể được áp dụng cho một bên thứ ba.[2
 
Theo đó, Ủy ban Pháp luật Anh đã đề xuất sửa đổi quy định trên, đề cập rõ ràng đến việc các BPKCTT sẽ được ban hành “cho dù liên quan đến một bên hay bất kỳ nào khác” [3], qua đó thể hiện tinh thần Tòa án Anh có quyền đưa ra các BPKCTT đối với bên thứ ba khi cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên tham gia vào vụ kiện trọng tài. Có thể thấy thẩm quyền ban hành BPKCTT tác động tới bên thứ ba vẫn được xem xét thuộc về thẩm quyền của Tòa án, thay vì trao cho HĐTT. 
 
b. Quy định pháp luật Trung Quốc về việc áp dụng BPKCTT có liên quan đến bên thứ ba
Trung Quốc cũng đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1982, theo đó, đề cập đến một số biện pháp nhằm hỗ trợ thủ tục tố tụng trọng tài thông qua Tòa án tại Điều 194. Việc này xuất phát từ thẩm quyền của HĐTT nói chung và quyền của HĐTT trong việc đưa ra các BPKCTT nói riêng bị hạn chế, chỉ có tính ràng buộc đối với các bên tham gia tố tụng trọng tài. HĐTT không có thẩm quyền ban hành các BPKCTT dành cho bên thứ ba, chỉ Tòa án quốc gia mới có thẩm quyền áp dụng các BPKCTT dành cho bên thứ ba, để bảo vệ quyền lợi của các bên trong tố tụng trọng tài [4].
 
c. Quy định pháp luật Hàn Quốc về việc áp dụng BPKCTT có liên quan đến bên thứ ba
Theo luật pháp Hàn Quốc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, dựa theo yêu cầu của một bên, HĐTT có thẩm quyền ban hành các BPKCTT. Các BPKCTT được quy định chi tiết ở Điều 18 Luật Trọng tài Hàn Quốc năm 2016. Đạo luật Trọng tài Hàn Quốc 2016 cũng quy định khả năng thi hành tại Tòa án các BPKCTT ban hành bởi HĐTT. Đây là một trong những thay đổi quan trọng nhất của LTTHQ, so với luật trước đây khi các BPKCTT không được coi là phán quyết cuối cùng và không thể thi hành tại Tòa án. 
 
Bằng cách áp dụng hầu hết nội dung của Điều 17 đến 17-I của Luật Mẫu, Luật Trọng tài Hàn Quốc 2016 hiện trao quyền cho bên muốn được công nhận BPKCTT do HĐTT ban hành có thể nộp đơn lên Tòa án để yêu cầu ra quyết định chấp thuận biện pháp đó, và bên muốn thi hành dựa trên BPKCTT cũng có thể nộp đơn lên Tòa án để yêu cầu ra quyết định thi hành án. Thông qua cách thức này, Tòa án Hàn quốc có thể ban hành quyết định thi hành án có hiệu lực đối với bên thứ ba. 
 
d. Quy định pháp luật Singapore về việc áp dụng BPKCTT có liên quan đến bên thứ ba 
Ở Singapore, trọng tài khẩn cấp của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“SIAC”) là cơ quan được chỉ định để xem xét và ra quyết định đối với các BPKCTT trước khi HĐTT SIAC được thành lập. Quy tắc SIAC quy định trọng tài khẩn cấp sẽ có quyền ra lệnh hoặc đưa ra bất kỳ BPKCTT nào nếu nhận thấy cần thiết. Tương tự, Đạo luật Trọng tài Quốc tế Singapore cũng đề cập rằng trọng tài khẩn cấp có thể ra lệnh cho bất kỳ bên nào thực hiện BPKCTT mà trọng tài khẩn cấp thấy cần thiết đối với vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, không giống như các thủ tục tố tụng tương tự tại Tòa án, một hạn chế cần lưu ý đối với thủ tục tố tụng trọng tài khẩn cấp là không có BPKCTT đối với các bên thứ ba trong thỏa thuận trọng tài.[5
 
Mục 12 Đạo luật Trọng tài Singapore cho phép Tòa án Singapore đưa ra các lệnh đối với các BPKCTT nhằm mục đích hỗ trợ quá trình tố tụng trọng tài, tuy nhiên lại không nêu rõ việc thực thi các quyền hạn này đối với bên thứ ba. Do đó, việc một bên có thể yêu cầu Tòa án Singapore ban hành lệnh cho BPKCTT để hỗ trợ trọng tài hay không sẽ phụ thuộc vào BPKCTT chính xác được yêu cầu là gì và các quy tắc tố tụng hiện hành của Tòa án [6].Có thể thấy việc áp dụng BPKCTT của Tòa án Singapore đối với bên thứ ba là không chắc chắn, tương tự như Đạo luật Trọng tài 1996 của Anh trước khi sửa đổi.
 
e. Quy định pháp luật Việt Nam về việc áp dụng BPKCTT có liên quan đến bên thứ ba  
Liên quan đến BPKCTT quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 (“LTTTM”), theo yêu cầu của một trong các bên, HĐTT có thể áp dụng một hoặc một số BPKCTT đối với các bên tranh chấp. Quy định trên ghi nhận tương đồng với Điều 17 Luật Mẫu, tuy nhiên không có quy định liên quan đến thẩm quyền của HĐTT đối với bên thứ ba. Điều này là khác với thẩm quyền của Tòa án, bởi Tòa án có quyền áp dụng BPKCTT đối với cả bên thứ ba nếu được yêu cầu và xét thấy có đủ căn cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong trường hợp HĐTT nhận được yêu cầu áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba, cần làm rõ mối quan hệ của bên thứ ba với thỏa thuận trọng tài của vụ tranh chấp. Vì theo pháp luật hợp đồng của Việt Nam, thỏa thuận trọng tài chỉ có giá trị ràng buộc đối với các bên tham gia thỏa thuận đó, không có giá trị ràng buộc bên thứ ba.  
 
Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 48.1 Luật TTTM: Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như vậy, có thể hiểu rằng các bên tranh chấp có thể yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo các BPKCTT được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trên cơ sở này, liệu rằng các bên tranh chấp có thể yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba (bên không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài) hay không thì vẫn còn là một vấn đề chưa rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể trong thực tiễn.
 
2. Một số ví dụ áp dụng BPKCTT theo quy định của pháp luật tại Việt Nam và quốc tế
   
a. Vụ tranh chấp Company A and Others vs Company B and Others [2018] HKCU 3575 
Trong vụ tranh chấp Company A and Others v Company B and Others [7], các Nguyên đơn đã khởi kiện các Bị đơn ra Phòng thương mại Quốc tế (“ICC”) tại Singapore về việc thanh toán đầy đủ số cổ phần mà các Nguyên đơn đã chuyển nhượng cho các Bị đơn. Sau đó, các Nguyên đơn đã yêu cầu trọng tài khẩn cấp của ICC áp dụng BPKCTT khi phát hiện các Bị đơn đang tìm cách chuyển nhượng cổ phiếu cho bên thứ ba. Theo đó, trọng tài khẩn cấp ICC đã ban hành lệnh khẩn cấp ngăn cản hành vi của các Bị đơn đối với việc xử lý cổ phần hoặc thực hiện bất kỳ hành động nào khác liên quan đến việc chuyển nhượng và/hoặc cầm giữ cổ phiếu. Tuy nhiên, các Bị đơn đã vi phạm lệnh áp dụng BPKCTT của trọng tài khẩn cấp ICC và tiếp tục chuyển nhượng cổ phiếu cho bên thứ ba. Do đó, các Nguyên đơn buộc phải đề nghị Tòa án Hồng Kông ban hành BPKCTT, hạn chế bên thứ ba xử lý phần cổ phiếu được chuyển nhượng và đã được Tòa án chấp nhận. 
 
Dù HĐTT của ICC tại Singapore có quyền ban hành lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng không có quyền thi hành lệnh trên lãnh thổ của các quốc gia khác. Trong trường hợp này, HĐTT phải nhờ đến sự hỗ trợ của Tòa án quốc gia – nơi có thẩm quyền ban hành các biện pháp khẩn cấp đối với bên thứ ba, không phải là bên tham gia tố tụng trọng tài. 
 
b. Vụ tranh chấp Blue Coast Infrastructure Development vs Blue Coast Hotels và các bên khác   
Trong vụ tranh chấp Blue Coast Infrastructure Development v Blue Coast Hotels và các bên khác [8], Nguyên đơn là Blue Coast Infrastructure Development đã khởi kiện Blue Coast Hotels (Bị đơn 1) và IFCI (Bị đơn 2) ra trọng tài.  
 
Blue Coast Hotels (Bị đơn số 1) đã tham gia vào quá trình đấu thầu và giành được gói thầu từ Công ty TNHH Sân bay Quốc tế Delhi (“DIAL”) để phát triển không gian cho Sân bay Quốc tế New Delhi (“Dự án A”). DIAL đồng thời ký kết với Silver Resorts Thỏa thuận phát triển hạ tầng và Thỏa thuận dịch vụ phát triển hạ tầng cho Dự án A. Sau đó, Silver Resort và Blue Coast Infrastructure Development (Nguyên đơn) đã ký kết Thỏa thuận phát triển chung (“TTPTC”) để thực hiện Dự án A. Ngoài ra, Blue Coast Hotels (Bị đơn 1) đã ký một Thỏa thuận vay doanh nghiệp với IFCI (Bị đơn 2) theo đó, thỏa thuận này được đảm bảo bởi tài sản ở Blue Coast Hotels (Bị đơn 1). Sau khi Bị đơn 1 vi phạm nghĩa vụ theo Thỏa thuận vay doanh nghiệp, Bị đơn 2 đã tiến hành đấu giá tài sản ở Blue Coast Hotels để thu hồi nợ. 
 
Trong vụ kiện này, Nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT theo thỏa thuận trọng tài của TTPTC – thỏa thuận mà Bị đơn 1 và Bị đơn 2 không phải là các bên tham gia. Nguyên đơn đã nộp đơn khởi kiện lên Toà án Tối cao Delhi (“Tòa Delhi”) theo Mục 9 của Đạo luật Trọng tài và Hoà giải năm 1996 xin lệnh khẩn cấp tạm thời; theo đó, đối với tài sản thu hồi nợ nêu trên, mà Nguyên đơn cho là Bị đơn 2 đang nắm giữ hộ Bị đơn 1, yêu cầu Bị đơn 2 đặt cọc 1 số tiền nhất định cho Toà án hoặc không được phép chuyển số tiền này cho Bị đơn 1 mà không có sự cho phép của Toà án. Bị đơn 2 cho rằng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này không được chấp thuận do Bị đơn 2 không phải là một bên kí kết của thoả thuận trọng tài trong TTPTC.  
 
Toà  Delhi nhận định rằng phạm vi của Mục 9 Đạo luật Trọng tài và Hoà giải năm 1996 không chỉ áp dụng giới hạn cho các bên của thoả thuận trọng tài mà còn có thể mở rộng phạm vi áp dụng cho bên thứ ba. Do đó, Toà Delhi phản bác lập luận của Bị đơn 2 và cho rằng Toà Delhi có thể đưa ra lệnh khẩn cấp tạm thời cho một bên không tham gia ký kết thoả thuận trọng tài.  
Toà Delhi đã viện dẫn đến vụ tranh chấp Value Advisory Services v. ZTE Corporation & Ors (2008) để chỉ ra rằng một bên sẽ có quyền yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT nếu bên thứ ba nắm giữ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thay mặt cho một bên trong thoả thuận trọng tài.  
 
c. Quyết định số 03/2021/QĐ-BPKCTT ngày 14/9/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội 
Tại Việt Nam, Tòa án cũng có thể áp dụng BPKCTT để hỗ trợ hoạt động tố tụng trọng tài, đặc biệt là khi có liên quan đến bên thứ ba. Vì các yếu tố bảo mật các thông tin các bên tranh chấp trong vụ kiện trọng tài nên rất khó để tìm thấy một vụ kiện trọng tài, mà một trong các bên yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với bên thứ ba. Trong khả năng nghiên cứu và tìm kiếm các thông tin được công bố của tác giả, dưới đây là một vụ kiện trọng tài mà phía nguyên đơn đã yêu cầu tòa án áp dụng BPKCTT liên quan đến người thứ ba.  
 
Cụ thể, vụ kiện trọng tài tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (“VIAC”) giữa Nguyên đơn (Công ty Cổ phẩn KTUD) và Bị đơn (TĐ ĐL) tranh chấp hợp đồng cung cấp than [9].  
 
Để bảo đảm thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn và Bị đơn đã mở các thư bảo lãnh cho các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Sau đó, các bên phát sinh tranh chấp về thời hạn giao hàng và chất lượng hàng hóa. Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn yêu cầu phải bồi thường thiệt hại do Bị đơn đã vi phạm nghiêm trọng điều khoản giao hàng và lấy mẫu tại Cảng dỡ hàng. 
 
Theo đó, Nguyên đơn đã yêu cầu tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (“TAND Hà Nội”) áp dụng BKCTT về việc “buộc Bị đơn không được yêu cầu Ngân hàng TMCP TP thanh toán số tiền theo các Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bị đơn”. Theo Quyết định số 03/2021/QĐ-BPKCTT ngày 14/9/2021 của TAND Hà Nội đã chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT của Nguyên đơn và yêu cầu Bị đơn giữ nguyên hiện trạng của các Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho đến khi có phán quyết của VIAC hoặc quyết định khác của TAND Hà Nội. 
 
Qua phân tích pháp luật và thực tiễn các bản án ở trên, có thể thấy tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, thẩm quyền của HĐTT thường bị hạn chế với bên thứ ba (vì bên thứ ba không bị ràng buộc trong thỏa thuận trọng tài). Vậy nên, thông thường, HĐTT sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của tòa án quốc gia để áp dụng BPKCTT liên quan đến bên thứ ba. Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật Việt Nam chưa thực sự rõ ràng về vấn đề Tòa án có thẩm quyền áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba (bên không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài) hay không. 
 
3. Kiến nghị và đề xuất hoàn thiện  
Tóm lại, xu hướng sử dụng BPKCTT của các bên khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài đang ngày càng tăng. Đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, có giá trị vụ kiện lớn và liên quan đến nhiều bên, việc áp dụng BPKCTT là một công cụ tố tụng rất quan trọng. Quy định pháp luận và thực tiễn áp dụng tại các quốc gia được nghiên cứu trong bài viết này đều cho thấy việc HĐTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến bên thứ ba (không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài) là rất hạn chế. Nhiều quốc gia có nền trọng tài phát triển có xu hướng mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng BPKCTT đối với bên thứ ba khi các tài sản, chứng cứ là đối tượng của tranh chấp hoặc có liên quan đến tranh chấp.  
 
Từ những quy định pháp luật và kinh nghiệm của một số quốc gia, tác giả có một số đề xuất LTTTM 2010 cần bổ sung thêm các quy định rõ rang hơn về thẩm quyền thẩm quyền của HĐTT và Tòa án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến bên thứ ba trong vụ kiện trọng tài; đồng thời kèm theo những hướng dẫn cụ thể trong việc yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT. Cụ thể: 
 
(i) Tác giả ủng hộ việc sửa đổi LTTM 2010 theo hướng tương tự như Hàn Quốc, tức là quy định thẩm quyền của HĐTT trong việc áp dụng BPKCTT và các biện pháp này có thể được một bên đem đi thi hành thông qua thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định cho thi hành; 
(ii) Ngoài ra, LTTTM 2010 cần bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng BPKCTT đối với tài sản hoặc chứng cứ do bên thứ ba (bên không ký kết và tham gia thỏa thuận trọng tài) nắm giữ; 
(iii) Đề xuất việc sửa đổi LTTTM 2010 theo hướng quy định cho phép hội đồng trọng tài khẩn cấp được phép ban hành quyết định về BPKCTT trước khi HĐTT chính thức được thành lập, và các BPKCTT này có thể được thi hành thông qua thủ tục yêu cầu cho thi hành tại Tòa án.  
 
 

Chú thích: 
[1Unless otherwise agreed by the parties, a party may, without notice to any other party, make a request for an interim measure together with an application for a preliminary order directing a party not to frustrate the purpose of the interim measure requested.

[2] Xem Public Joint Stock Co Bank v Maksimov [2013] EWHC 3203 (Comm), [2013] All ER (D) 140 (Aug) at [76] to [81] by Blair J, Cruz City 1 Mauritius Holdings v Unitech Ltd (No 3) [2014] EWHC 3704 (Comm), [2015] 1 All ER (Comm) 305; DTEK Trading SA v Morozov [2017] EWHC 94 (Comm), [2017] 1 Lloyd’s Rep 126.

[3] Reed Smith Client Alerts, Important proposed changes to the English Arbitration Act: (5) Clarifying the courts’ powers in support of arbitral proceedings (2023), link https://www.reedsmith.com/en/perspectives/2023/10/important-proposed-changes-english-arbitration-act-courts-proceedings, (truy cập lần cuối vào ngày 16/3/2024).

[4] Xing Xiusong và Wang Heng, Interim measures in arbitration proceedings in China (2022), Global Arbitration Review, 27 May 2022, <https://globalarbitrationreview.com/review/the-asia-pacific-arbitrationreview/2023/article/interim-measures-in-arbitration-proceedings-in-china>, (truy cập lần cuối vào ngày 17/3/2024)

[5] Emergency arbitrators in Singapore (2014), Norton Rose Fulbright <https://www.nortonrosefulbright.com/en/knowledge/publications/0c310fce/emergency-arbitrators-in-singapore>, (truy cập lần cuối 17/3/2024).

[6] Nicholas Lingard, Samantha Tan, Victoria Seow, How Singapore’s international arbitration laws will compare with the position post-reform of the English Arbitration Act (2023), Freshfields Bruckhaus Deringer <https://riskandcompliance.freshfields.com/post/102ipjo/how-singapores-international-arbitration-laws-will-compare-with-the-position-pos>, (truy cập lần cuối 18/3/2024).

[7] Briana Young, Hong Kong courts can order interim relief against non-parties—but only sparingly, Herbert Smith Freehills (2018), <https://hsfnotes.com/arbitration/2018/11/13/hong-kong-courts-can-order-interim-relief-against-non-parties-but-only-sparingly/#more-9927>, (truy cập lần cuối 18/3/2024).

[8] Ayushi Dubey and Yash Jain, Interim Relief against Third Parties under the Arbitration Act: A Never-Ending Saga (2021), IndiaCorpLaw <Interim Relief against Third Parties under the Arbitration Act: A Never-Ending Saga - IndiaCorpLaw>, (truy cập lần cuối 18/3/2024).

[9Công bố bản án, quyết định của tòa án (toaan.gov.vn)

 

 
*** Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hay cơ quan, tổ chức nào. 

 ___________

Hội thảo chuyên đề "Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài và tác động của bên thứ ba" là sự kiện mở màn cho Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 (AMS 2024), được triển khai bởi VIAC cùng khối các trường Đại học đào tạo Luật trên Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024. Thông tin chi tiết về AMS 2024, vui lòng xem tại ĐÂY 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI