Lí do nên chọn Trọng tài

10/30/2019

Có nhiều cách thức để giải quyết một tranh chấp. Với cùng một đích đến là phán quyết/quyết định có hiệu lực, các bên có thể đưa tranh chấp ra tòa án nếu họ muốn tranh chấp được phân xử theo hướng ràng buộc và có thể đưa đến một Hội đồng Trọng tài (HĐTT) chuyên biệt nếu các bên muốn được tối đa hóa sự thỏa thuận của các bên và phần nào chủ động được kết quả giải quyết tranh chấp. Theo các báo cáo khảo sát của trường luật Queen Mary, Đại học London kết hợp với các hãng luật uy tín thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy xu hướng mạnh mẽ với hơn 90% doanh nghiệp lựa chọn trọng tài thương mại như là phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu[1].

Hai ưu điểm quan trọng nhất của phương thức trọng tài là tính trung lập và khả năng thi hành của Phán quyết trọng tài.

Các bên trong hợp đồng có yếu tố quốc tế thường đến từ các quốc gia khác nhau và do đó, tòa án quốc gia của một bên thường sẽ được coi là “tòa án nước ngoài” đối với bên còn lại. Việc phải lựa chọn tòa án quốc gia của một bên thường sẽ khiến bên còn lại có “cảm giác bất lợi” và thực tế là có những bất lợi đúng nghĩa có thể nhìn ra ngay: Tòa án có thể chỉ sử dụng ngôn ngữ của quốc gia đó (không phải ngôn ngữ hợp đồng) khiến cho cả quá trình tố tụng tại Tòa án trở thành một quá trình tốn kém thời gian và tiền bạc của việc dịch hợp đồng, thư từ giữa các bên cũng như các tài liệu liên quan khác sang ngôn ngữ mà Tòa án đó sử dụng; hoặc Tòa án có thể có những quy tắc và thủ tục được xây dựng phù hợp với các vấn đề trong nước chứ không phải là các vấn đề quốc tế; hoặc không có những quy tắc và thủ tục riêng phù hợp với các vấn đề quốc tế . Phương thức trọng tài cho phép các bên lựa chọn địa điểm trọng tài tại một tổ chức /quốc gia trung lập bởi một HĐTT (dù là trọng tài viên duy nhất hay 03 trọng tài viên) được thành lập nên bởi một quy trình cũng nhằm đảm bảo tính trung lập của hội đồng đó.

Phán quyết trọng tài có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và là phán quyết cuối cùng – tương đương với bản án có hiệu lực của tòa. Theo đó, phán quyết trọng tài được công nhận hiệu lực và có giá trị thi hành ngay lập tức trong phạm vi quốc gia và thế giới (tới năm 2018, đã có 159 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài). Trong khi đó, một bản án của Tòa án quốc gia nếu muốn được công nhận và thi hành ở nước ngoài cần phụ thuộc vào các điều ước quốc tế cụ thể ký kết giữa quốc gia đó và quốc gia nơi bản án muốn thi hành.

Một số lí do khác cũng được đề cập khi bàn đến lý do nên chọn trọng tài như (i) tính linh hoạt bởi quy trình giải quyết tranh chấp được xây dựng phù hợp yêu cầu của các bên trong từng vụ tranh chấp; (ii) tính bảo mật nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh, kế hoạch cạnh tranh hoặc cũng có thể tránh những tác động tiêu cực từ vụ tranh chấp đối với hoạt động và uy tín của các bên.


[1] Xem các báo cáo khảo sát năm 2013,2015,2016, 2018 tại http://www.arbitration.qmul.ac.uk/research/

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI