Thực tiễn quy trình hoà giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp: Những xung đột có thể xảy ra và khuyến nghị phạm vi chỉ thị của hội đồng trọng tài

10/29/2024

Đặt vấn đề: Khi thực hiện tố tụng trọng tài, quá trình hòa giải có thể gây ra một số xung đột khiến Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”) phải cân nhắc xử lý. Việc giải quyết hiệu quả các xung đột này dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật và kỹ năng xử lý của TTV sẽ giúp quyền và lợi ích của các bên tranh chấp và bên thứ ba được đảm bảo. Bài tham luận này tập trung phân tích các xung đột tiềm tàng và đưa ra các khuyến nghị để tối đa hiệu quả quy trình hòa giải và hạn chế xung đột diễn ra. 

1. Những xung đột có thể xảy ra đối với quy trình hòa giải trong phiên họp giải quyết
1.1. Khái quát chung về hoà giải trong tố tụng trọng tài 
Về cơ sở pháp lý để tiến hành hoà giải trong tố tụng trọng tài: 
 
Điều 58 Luật Trọng tài Thương mại (Luật TTTM) có quy định:  
Điều 58. Hoà giải, công nhận hòa giải thành 
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
Điều 29 Quy tắc VIAC có quy định về việc Hội đồng Trọng tài sẽ tiến hành hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu các bên có yêu cầu: 
Điều 29. Hòa giải 
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải. Biên bản hòa giải thành phải được lập trong trường hợp hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên và chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp này, Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài.
Tại VIAC, hòa giải trong tố tụng trọng tài hiện nay đang được xem là một trong những thủ tục gần như bắt buộc trong quá trình diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp khi phiên họp có sự tham gia đầy đủ cả hai bên. Trong quy chế hướng dẫn thực hiện tố tụng cho Hội đồng Trọng tài của VIAC vận hành từ 2013, yếu tố hòa giải được nhấn mạnh và Hội đồng Trọng tài cũng được khuyến nghị phải tạo điều kiện, hỗ trợ các bên hòa giải để giải quyết tranh chấp (Mục 5.9 Phần III Hướng dẫn quy trình tố tụng cho trọng tài viên của VIAC), chẳng hạn như đưa ra khuyến nghị thúc đẩy hòa giải, tham gia cùng hòa giải với các bên hoặc vắng mặt để các bên tự thương lượng, hòa giải, hoặc tạm hoãn phiên họp để các bên có thời gian hơn tự hòa giải, thương lượng và cung cấp kết quả cho Hội đồng trong tài sau đó. 
 
Căn cứ vào hướng dẫn này, nhiều Hội đồng Trọng tài đã điều phối và giải quyết tranh chấp thành công thông qua hoạt động hoà giải trong quá trình hoặc ngay tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Trong giai đoạn hoà giải này, HĐTT sẽ cần thể hiện hai kỹ năng: không chỉ phán xét, đánh giá để đưa ra phán quyết mà còn có thể đứng ra thúc đẩy, tạo cơ hội cho các bên hoà giải, từ đó, góp phần bổ sung thêm giá trị cho quá trình giải quyết tranh chấp. Song, HĐTT cũng phải hết sức lưu ý và nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng cũng như phân biệt rạch ròi được vai trò của mình để tránh được nhưng vấn đế xung đột tiềm tàng giữa hai vai trò “trọng tài viên” - “hoà giải viên”, đặc biệt là khi vẫn còn nhiều bất cập trong quy định của Luật TTTM, yêu cầu đặt ra và quy trình cho hoạt động hòa giải trong tố tụng trọng tài vẫn chưa rõ ràng. 
 
1.2. Các xung đột có thể xảy ra đối với quy trình hoà giải trong phiên họp giải quyết tranh chấp
 
Vấn đề 1: Hội đồng Trọng tài đưa ra các hướng dẫn, đề nghị chi tiết nhằm điều phối hòa giải dẫn đến tình trạng các bên hiểu nhầm rằng Hội đồng Trọng tài đã có quan điểm về kết quả vụ tranh chấp cho dù quan điểm của các TTV hay HĐTT chỉ mang tính kết luận sơ bộ
Quay ngược lại về bản chất của hoà giải, yếu tố “hoà giải viên” chỉ đóng vai trò cầu nối giữa các bên bằng việc đặt ra những câu hỏi để các bên tự soi chiếu, tự đánh giá các được, mất và tiến hành đi đến một thoả thuận hợp tình hợp lý cho cả hai. Như vậy, nếu HĐTT thể hiện quá rõ quan điểm của mình, can thiệp quá sâu nhằm điều phối hoà giải, vô hình trung, các bên sẽ bị đặt sức ép và vô tình bị đẩy vào tình thế hoà giải gượng ép do lo sợ phán quyết bất lợi. Do đó, kinh nghiệm rút ra cho HĐTT nằm ở điểm HĐTT có thể hình dung ra được một phương án giải quyết hoà giải cho các bên thông qua hoà giải, tuy nhiên, HĐTT cần hết sức kiên nhẫn, bình tĩnh và điều phối hoạt động hoà giải bằng các đặt ra những câu hỏi gợi mở để các bên tự đi đến được những giải pháp hợp lý.  
 
Vấn đề 2: Trọng tài viên đóng vai trò như hòa giải viên hoặc/và vận dụng quy trình như đối với các vụ việc hòa giải thương mại
Quy trình tố tụng trọng tài và quy trình hoà giải đã được thiết kế và vận hành theo các hướng khác nhau để phù hợp với bản chất của từng phương thức. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu TTV triển khai đầy đủ cả một quy trình hoà giải trong quy trình tố tụng trọng tài thì các vấn đề phát sinh là gì? Trong tố tụng trọng tài, có những hoạt động mà HĐTT không được phép làm, như HĐTT chủ động gặp riêng từng bên để trao đổi nội dung tranh chấp, hoặc trường hợp Hội đồng trọng tài đề xuất một quy trình hòa giải, gặp riêng và gặp chung đã được các bên đồng thuận. Trong các trường hợp này, nếu các bên đi đến một thoả thuận hoà giải thành thì sẽ không có gì đáng nói, song, nếu các bên không thể thoả thuận được với nhau thì liệu tính vô tư, khách quan của TTV còn được đảm bảo hay không để tiếp tục giải quyết theo quy trình tại trọng tài. Như vậy, TTV cần hết sức lưu ý, nỗ lực thúc đẩy hoà giải nhưng trong khuôn khổ của tố tụng trọng tài.  
 
Vấn đề 3: Hội đồng Trọng tài thúc đẩy hòa giải “quá mức”, kể cả trong trường hợp một trong hai bên yêu cầu không hòa giải, tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Trong trường hợp các bên không thể hoà giải và cũng không muốn tiếp tục hoà giải, tuy nhiên, HĐTT có thể nhìn ra những “lối mở” cho vấn đề giải quyết tranh chấp nên hết sức thúc đẩy quá trình hoà giải, thậm chí yêu cầu các bên hoà giải. Điều này dẫn đến quá trình hoà giải có thể bị diễn ra hết sức khiên cưỡng và hoàn toàn trái với bản chất của hoà giải. Vấn đề đặt ra ở đây là cần làm rõ giới hạn của HĐTT trong vấn đề hoà giải cho các bên và HĐTT cũng cần xác định thời điểm phù hợp để chuyển giữa hoà giải – trọng tài nhằm vừa không làm mất cơ hội cho các bên vừa tôn trọng thoả thuận của các bên.  

Các vấn đề nêu trên, tựu chung, đến từ những thiếu sót trong quy định hướng dẫn Trọng tài viên điều phối hoạt động hoà giải. Bởi lẽ, hiện tại, ngoài điều 58 Luật Trọng tài Thương mại 2014, hiện không có thêm hướng dẫn về vấn đề này trong các quy định pháp luật. Trong Quy tắc tố tụng và Hướng dẫn quy trình tố tụng cho trọng tài viên của VIAC, VIAC cũng đã cố gắng đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho TTV, tuy nhiên, trên thực tế, các vấn đề phát sinh có thể đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều, hầu hết, TTV đều xử lý dựa trên kinh nghiệm và áp dụng những nguyên tắc của trọng tài – hoà giải để ứng biến với tình hình. Sự thiết sót này gây ra một số bất cập như sau:  

  • Vai trò của trọng tài viên và hoà giải viên bị chồng lấn, gây hiểu nhầm từ phía các bên tham gia tranh chấp;  

  • Gây mất thời gian cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài  

  • Nếu hoà giải không thành, các ý kiến, khuyến nghị của HĐTT trong giai đoạn hoà giải có thể bị viện dẫn để làm cơ sở khiếu nại hoặc yêu cầu huỷ PQTT. 

 
2. Khuyến nghị đối với Hội đồng Trọng tài liên quan đến quy trình hoà giải trong tố tụng trọng tài và làm rõ phạm vi chỉ thị của Hội đồng Trọng tài 
 

(i) HĐTT cần nghiên cứu, nắm bắt trước các xung đột có thể xảy ra để có phương hướng giải quyết trong quá trình hòa giải;

(ii) Đối với các xung đột về vai trò, mối quan hệ giữa các bên đối với TTV thì bản thân các TTV và Trung tâm Trọng tài cần rà soát kỹ các thông tin để đảm bảo sự chính xác;

(iii) Đối với xung đột phát sinh từ lợi ích các bên và bên thứ ba, cần giải quyết trên nguyên tắc cẩn trọng, kết hợp với Tòa án có thẩm quyền, nếu pháp luật không điều chỉnh để hạn chế khả năng phán quyết bị tuyên hủy;

(iv) HĐTT cần cân bằng giữa nỗ lực để hòa giải thành với việc xử lý khéo léo, đúng luật các xung đột giữa các bên hoặc với bên thứ ba để không tạo ra sự căng thẳng lớn hoặc tuyệt đối tránh để các bên gửi đơn khiếu nại tới Trung tâm Trọng tài sau khi hòa giải;

(v) Quy định rõ ràng về nguyên tắc những việc Trọng tài viên được làm và không được làm trong quá trình hòa giải tại tố tụng trọng tài;

(vi) Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành vai trò như hội đồng hòa giải viên, chỉ khi có sự đồng thuận của các bên và lập tức chấm dứt nếu một trong hai bên không đồng ý;

(vii) Hội đồng Trọng tài có thể đề xuất các bên sử dụng dịch vụ hòa giải của một bên thứ 3 (1 hòa giải viên hoặc tổ chức thực hiện chức năng hòa giải) để giải quyết đồng thời bằng hòa giải và trọng tài: 

  • Hòa giải với các vấn đề các bên có thiện chí và mong muốn hòa giải 

  • Giải quyết bằng trọng tài các vấn đề còn lại 

 
*** Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hay cơ quan, tổ chức nào. 

__________

Hội thảo chuyên đề "Hòa giải trong quá trình giải quyết tại trọng tài: Vai trò của bên thứ ba trung lập và tác động đối với việc xử lý tranh chấp" là sự kiện thứ ba thuộc Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2024 (AMS 2024), được triển khai bởi VIAC cùng khối các trường Đại học đào tạo Luật trên Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ ngày 22/3/2024 đến ngày 11/4/2024. Thông tin chi tiết về AMS 2024, vui lòng xem tại ĐÂY 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI