#002 | Tranh chấp về giám định hàng hóa trong hợp đồng bảo hiểm

05/17/2021
 

Ngô Khắc Lễ

Chuyên gia tư vấn Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) 

Tóm tắt sự việc  

Nguyên đơn ("NĐ") và Bị đơn ("BĐ") ký Hợp đồng bảo hiểm hàng hóa (“Hợp đồng”), theo đó, BĐ chấp nhận bảo hiểm theo Điều kiện “A” Quy tắc chung bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển cho lô hàng thép các loại của NĐ chở bằng tàu biển từ nước ngoài về kho của NĐ ở Việt Nam. Số tiền bảo hiểm là hơn 10 tỷ đồng. Trước khi dỡ hàng, NĐ thấy hàng bị tổn thất nên đã thông báo ngay cho BĐ. BĐ chỉ định một công ty giám định hàng tại hầm hàng của tàu biển (“Công ty giám định 1”). Sau đó, các bên nhất trí chuyển lô hàng về kho của NĐ để tiếp tục giám định.

Bị đơn cho rằng theo chứng thư giám định của Công ty giám định 1 ("Chứng thư 1") thì (i) chất lượng hàng đã có khiếm khuyết hay khuyết tật vốn có, kết hợp với việc hàng hóa bị hấp hơi  trong quá trình vận chuyển nên bị ố đen, ố vàng trên bề mặt; (ii) do khuyết tật của hàng hóa nên không loại trừ khả năng hàng hóa bị ố đen, ố vàng trước khi bốc hàng; (iii) không có chứng cứ cho thấy hàng hóa bị lõm, khuyết bề mặt xảy ra trong quá trình vận chuyển; (iv) lô hàng này đã bị khiếm khuyết, không bảo đảm chất lượng ngay từ khâu sản xuất; (v) căn cứ Chứng thư 1 cũng như các yếu tố khác, tổn thất không xảy ra trong quá trình vận chuyển mà xảy ra trước khi bốc hàng (loading) nên không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Theo Nguyên đơn, Chứng thư 1 không nêu mức độ tổn thất hàng hóa nên ngay khi nhận được chứng thư này, NĐ đã đề nghị một công ty giám định độc lập khác để làm việc này nhưng BĐ không phản hồi. Căn cứ hồ sơ bảo hiểm, NĐ không thấy có bất kỳ điều khoản loại trừ nào để từ chối bồi thường, do vậy, BĐ phải bồi thường. Đã hơn 5 tháng kể từ ngày kết thúc giám định nhưng BĐ không có ý kiến gì về xử lý hàng tổn thất và ngăn ngừa tổn thất thêm, vì vậy, NĐ sẽ tiến hành xử lý hàng tổn thất theo cách (a) mời giám định độc lập xác định lại số lượng và trị giá tổn thất; và (b) bán đấu giá công khai lô hàng tổn thất và BĐ phải bồi thường theo cách xử lý nêu trên mà không có bất kỳ khiếu nại gì về sau.

Phán quyết Trọng tài

Hội đồng Trọng tài ("HĐTT") nhận thấy trong quá trình nhận hàng, vận chuyển và dỡ hàng, người vận chuyển cũng như BĐ không có ý kiến gì về tình trạng bên ngoài của lô hàng. Vận đơn  ghi rõ “Clean Shipped on Board” nghĩa là “Vận đơn sạch, hàng đã bốc lên tàu”; Hợp đồng chỉ loại trừ bồi thường do rỉ sét tự nhiên; trong Chứng thư 1 không có chỗ nào cho rằng lô hàng này bị rỉ sét tự nhiên. Ngược lại, chứng thư này kết luận: “Trong quá trình vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, môi trường thay đổi từ vùng không khí lạnh sang vùng không khí nóng đã gây ra hiện tượng đổ mồ hôi hàng hóa tạo ra một dung dịch chất điện ly gây ăn mòn kim loại, tạo ra gỉ sét từ các đai sắt chằng buộc bên ngoài/các mép gờ biên của cuộn thép (các mép gờ biên này là nơi trực tiếp tiếp xúc với mồ hôi hàng hóa và cũng là nơi mà lớp kẽm mạ yếu nhất). Sau đó, các gỉ sét này phát triển và lan tỏa vào bên trong bề mặt của cuộn thép gây ra hiện tượng ố vàng/ố đen trên bề mặt cuộn hàng.” Từ đó, HĐTT kết luận hiện tượng rỉ sét dẫn tới ố đen/ố vàng đã xảy ra trong quá trình vận chuyển và trước khi dỡ hàng chứ không phải trước khi bốc hàng lên tàu. Căn cứ Điều 262 Luật Thương mại 2005 và phân tích trên đây, HĐTT kết luận Chứng thư 1 có giá trị ràng buộc đối với BĐ, và không loại trừ trách nhiệm bảo hiểm do không phải là “rỉ sét tự nhiên”.  

Theo Biên bản dỡ hàng của cảng và hình ảnh do NĐ cung cấp, HĐTT cho rằng trong quá trình  xếp hàng và dỡ hàng, một số cuộn thép bị móp, khuyết tại mép, tại đầu cuộn ở các vòng phía ngoài là do bị va đập, nghĩa là các tì vết này xảy ra trước khi dỡ hàng.  Theo khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, Chứng thư 1 phải ghi rõ nguyên nhân và mức độ tổn thất. Tuy vậy, chứng thư này chỉ nêu nguyên nhân tổn thất hàng hóa, nghĩa là không tuân thủ hoàn toàn quy định tại khoản 1 Điều 48 nêu trên.  

HĐTT nhận thấy Công ty giám định 1 không xác định mức độ tổn thất hàng hóa nên NĐ phải thuê Công ty giám định 2 giám định lại tổn thất và làm Chứng thư 2 là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 262 Luật Thương mại 2005.  

Chứng thư 2 căn cứ vào tình trạng bên ngoài của hàng hóa, tập quán mua bán hàng hóa, tổn thất và giá thị trường; có 2 công ty đủ năng lực mua số hàng tổn thất nói trên với đơn giá bình quân là 6.715 đồng/kg. Giá thu hồi 130 cuộn tôn (tole) mạ nhôm kẽm là 535,185 tấn tịnh x 6.715 đồng = 3.593.767.275 đồng. Xét thực tế trên đây, căn cứ vào Chứng thư 2, HĐTT thấy có cơ sở để chấp nhận đơn giá bình quân này. Theo Chứng thư 1, Chứng thư 2, và trị giá tổn thất nêu trong Bản tự bảo vệ, cụ thể số tiền là 10.268.582.000 đồng – (3.593.767.275 + 1.114.500.570) = 5.560.314.155 đồng được HĐTT cho là hợp lý nhưng do NĐ chỉ yêu cầu 5.560.000.000 đồng nên HĐTT chấp nhận số tiền này và buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền bồi thường bảo hiểm 5.560.000.000 đồng.  

Một số lưu ý

(i) "Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất..." (khoản 1 Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000). Như vậy, theo luật này, chứng thư giám định không được phép xác định trách nhiệm bảo hiểm. Tuy vậy, một số doanh nghiệp giám định được doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định đã nêu trách nhiệm bảo hiểm trong chứng thư giám định là không làm đúng quy định của pháp luật;

(ii) “Chứng thư giám định có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.” (Điều 261 Luật Thương mại 2005);

(iii) "Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 261 của Luật này. Bên kia trong hợp đồng có quyền yêu cầu giám định lại" (Khoản 2 Điều 262 Luật Thương mại 2005)./.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của chuyên gia độc lập và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của VIAC hay cơ quan, tổ chức nào. Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến tài liệu này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI