#055 | Kết hợp phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả tiền

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Nguyên đơn và Bị đơn xác lập hợp đồng phân phối các sản phẩm thiết bị phòng tắm. Thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã giao hàng cho Bị đơn nhưng Bị đơn còn thiếu tiền hàng cho Nguyên đơn. Khi được yêu cầu giải quyết, bên cạnh việc buộc Bị đơn trả tiền gốc còn thiếu, Hội đồng Trọng tài còn buộc Bị đơn chịu phạt vi phạm hợp đồng và lãi do chậm trả tiền.

Bài học kinh nghiệm:

Trong thực tế, doanh nghiệp thường gặp trường hợp đối tác của mình không thanh toán nợ gốc hay bản thân doanh nghiệp còn nợ tiền gốc với đối tác của mình. Trong trường hợp này, bên còn nợ tiền gốc theo hợp đồng phải thanh toán khoản tiền gốc. Giả sử các Bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm hoàn toàn có quyền đòi nợ gốc, lãi chậm trả trên nợ gốc kết hợp với việc yêu cầu trả tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài cũng theo hướng vừa nêu với nhận xét “từ những phân tích và cơ sở pháp lý đã nêu trên đây, Hội đồng Trọng tài quyết định Bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho Nguyên đơn khoản công nợ còn lại”. Ở đây, chúng ta không bàn về việc thanh toán tiền nợ gốc mà tập trung vào việc áp dụng phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả tiền và lãi do chậm trả tiền.

Liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả tiền, Điều 9.6 của hợp đồng giữa các bên quy định “Khoản thanh toán quá hạn của Bên B sẽ bị phạt với lãi suất cho số tiền quá hạn thanh toán theo bảng kê bên dưới: Quá hạn từ 61 ngày trở đi, tỷ lệ lãi phạt 1,5%/tháng”. Đây thực chất là một thoả thuận về phạt vi phạm hợp đồng cho trường hợp chậm thanh toán tiền và Hội đồng Trọng tài đã theo hướng này với nhận xét “Hội đồng Trọng tài đã phân tích Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với Nguyên đơn bắt đầu từ ngày 15/09/2018. Như vậy, yêu cầu của Nguyên đơn về khoản tiền Phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Điều 2.1 của Biên bản Thanh lý hợp đồng và Điều 9.6 của hợp đồng là có cơ sở”. Tiếp theo, “Hội đồng Trọng tài xét thấy tiền Phạt do vi phạm nghĩa vụ thanh toán tính trên khoản nợ 642.009.000 VND, theo mức lãi suất tương ứng quy định tại Điều 9.6 của hợp đồng, với thời gian tạm tính từ ngày 15/09/2017 đến 01/10/2018 sẽ là: 115.669.000 VND. Theo quy định tại Điều 300 và 301 của Luật Thương mại năm 2005: Tiền Phạt không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm. Như vậy, khoản Phạt tối đa của Vụ tranh chấp này không được vượt quá số tiền là 51.360.720 VND”.

Đối với lãi chậm trả tiền, Hội đồng Trọng tài “xét thấy Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với Nguyên đơn vì không thanh toán đúng thời hạn ngày 15/09/2017 và cũng không tham dự các buổi họp giải quyết công nợ với đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn theo Thư mời ngày 26/09/2017, ngày 09/10/2017. Như vậy, Nguyên đơn căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là có cơ sở”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài “quyết định Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn khoản tiền Lãi phát sinh do chậm trả nợ”.

Phần trên đã cho thấy, xuất phát từ việc Bị đơn chậm trả tiền cho Nguyên đơn, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng hai chế tài là phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả. Thực tế, việc kết hợp các chế tài xuất phát từ vi phạm hợp đồng không xa lạ trong pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, theo Luật Thương mại năm 2005, “trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác” (khoản 1 Điều 299). Ở đây, chúng ta thấy Luật ghi nhận khả năng kết hợp chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm hợp đồng.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về khả năng kết hợp chế tài phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả xuất phát từ hành vi chậm trả tiền (lãi do chậm trả tiền không là bồi thường thiệt hại nên không thể vận dụng quy định nêu trên). Mặc dù vậy, hướng cho kết hợp hai chế tài trên (phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả) của Hội đồng Trọng tài là thuyết phục. Thực tế, không có quy định nào cấm việc kết hợp trên và khi các điều kiện áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và lãi chậm trả hội đủ thì chúng ta áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng và chế tài lãi chậm trả. Nói cách khác, hai chế tài trên tồn tại song song với nhau, không loại trừ nhau và hoàn toàn có thể kết hợp cùng nhau. Đó cũng là điểm doanh nghiệp chậm trả tiền hay doanh nghiệp bị chậm trả tiền cần lưu ý khi đối mặt với trường hợp chậm trả tiền.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI